Vậy là năm mới theo Dương lịch đã đến - năm 2017. Mấy hôm nay và sáng nay, lướt qua mấy trang mạng xã hội đều thấy người người nói, nhắn tin, chúc mừng một năm mới sắp đến. Trong lòng chợt chẳng thấy nôn nao chút nào, dù rằng tối 30 vừa dự xong một buổi tiệc Tất niên tại trường, nghe bài "Tết Nguyên đán" thì trong lòng cũng dâng lên chút hứng khởi... Có lẽ do nhiều việc, nhiều chuyện mà năm mới đã đến vẫn chưa xong nên trong lòng còn vương vấn nhiều suy nghĩ.

Chợt nghĩ đến chuyện thăm người xưa. Do cả tháng nay đang ôm quyển sách "Người Pháp và Annam - Bạn hay thù?" để đọc, chợt thấy có nhiều cảm xúc lạ lùng khi nghĩ về Ngài Tả quân Lê Văn Duyệt. Thế là sáng nay, quyết định đến thăm mộ Ngài một chuyến... nữa.

8 năm ở Sài Gòn, nhiều lần đi ngang qua nhưng chỉ đúng một lần duy nhất ghé vào thăm mộ Ông. Lần này đến, có chủ đích hơn, có mục đích hơn và cũng chuẩn bị nhiều thứ trong lòng hơn.

Nơi thờ phụng Ông thật sạch sẽ, khang ngang và nghi ngút khói hương. Khi đưa xe vào bãi, chạy ngang cổng chính là thấy rõ sự bề thế của của nơi yên nghỉ ngàn thu của vị Tả quân uy hùng năm xưa. Trong nhiều quyển sách cả xưa và nay viết lại, cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã bắt đầu từ khi 17 tuổi theo chân Gia Long Nguyễn Ánh bôn tẩu tứ phương, chờ ngày "phục quốc". Cuộc đời trai trẻ của Người đang nằm dưới nấm mộ kia đã oai hùng từ sớm như thế.

Ông tên thật là Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 hoặc 1764, mất ngày 28 tháng 8 năm 1832. Ông quê gốc Quảng Ngãi, nhưng sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang và lập thân trên con đường bôn tẩu miền Gia Định.

Trong thời chiến, Ông uy dũng vô cùng, tài trí, mưu lược hơn người. Là một trong "Ngũ hổ tướng Gia Định" được người đời xưng tụng và ghi dấu ấn võ công bậc nhất của mình trọng trận thủy chiến Thị Nại - khởi đầu dấu chấm hết của triều Tây Sơn.

Trong thời bình, Ông hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định, có tầm nhìn thời đại, trân trọng và kết giao với người Tây phương, cho phép người dân tự do tôn giáo và đã xây dựng một miền Nam giàu có, trù phú.

Nhưng khi chết - và chỉ khi Ông đã chết, Hoàng đế Minh Mạng mới dám kéo xích xiềng mã Ông lại, bảo rằng Ông có tội với triều đình, với Vua, với dân. Ấy vậy mà suốt cả trăm năm sau, người dân vẫn kính thờ Ông như một biểu tượng của lòng trung quân ái quốc, thương dân hết lòng.

Trong khu lăng thờ Ông, có thêm hai Vị Phan Thanh GiảnLê Chất lần lượt nằm ở tả hữu bàn thờ Ông. Hơn nữa thế kỷ sau ngày Ông mất, đại thần Phan Thanh Giản nuốt nước mắt ký nhượng ba tỉnh miền Tây cho người Pháp vì biết rằng có tiếp tục chiến đấu thì chỉ nhân dân phải chịu khổ, tang thương. Bài vị người thương dân bên cạnh người thương dân trong hai hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn thật khó nói nên lời...

Đầu năm, người ta đến viếng Lăng mộ Ông Tả quân không nhiều, nhưng nhiều là những cô cậu đến chụp ảnh. Khung cảnh nơi Ông yên nghỉ đẹp, nghiêm trang và cổ kính. Đó có lẽ là phần thưởng xứng đáng cho những gì mà một người thanh quan đã trải bao khói lửa chiến tranh, thấu hiểu nỗi đau của dân chúng mà hết lòng thương dân được hưởng lấy.

Đầu năm, cầu mong Vị Tả quân uy hùng ngày nào có linh thiêng, xin nhìn đến đất nước đang trong những ngày cơ cực, bòn rút của tham nhũng, quan liêu, xua nịnh mà ra tay độ trì. Để chí lớn của Ông ngày xưa không bị con cháu phụ bạc, tầm nhìn thời đại ngày xưa của Ông không bị phí hoài và quê hương Ông không chịu mãi kiếp ngựa trâu.

Đầu năm, kính dâng lòng kính mến và cảm phục lên tiền nhân, vô cùng!