Kitô giáo và câu chuyện Hiệp nhất.
Kitô giáo và câu chuyện Hiệp nhất Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo



Trong xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều những tiện ích phục vụ đời sống con người là thành tựu của nền văn minh Kitô giáo. Những thành tựu này có thể dễ dàng được tìm kiếm và truy nguyên về nguồn gốc nhờ vào khả năng tìm kiếm trên mạng internet. Tuy nhiên, trong dòng lịch sử của chính mình, Kitô giáo hay Cơ Đốc giáo đã mang lấy rất nhiều những mâu thuẫn và chia rẽ vô cùng trầm trọng. Hầu hết những mâu thuẫn đều được giải quyết một cách triệt để để Đức tin do Chúa Kitô thiết lập được tỏa sáng trên thế gian, nhưng vẫn có những chia rẽ đã kéo dài hơn 1000 năm hoặc hơn 500 năm.

Một nhận xét chung nhất, theo Wikipedia:
Trải qua hai thiên niên kỷ, các bất đồng về thần học và giáo hội học đã hình thành các hệ phái Kitô giáo khác nhau. Cảnh giáo và Chính thống giáo Cổ Đông phương tách khỏi Đại Giáo hội sau Công đồng Ephesus (431) và Công đồng Chalcedon (451). Công giáo Tây phương và Chính thống giáo Đông phương cắt đứt hiệp thông với nhau trong cuộc Ly giáo Đông–Tây năm 1054. Kháng Cách (thường gọi là Tin Lành), không phải là một hệ phái đơn nhất nhưng là thuật từ nhóm hợp, phát sinh từ cuộc Cải cách Kháng nghị thế kỷ 16.
Chính là nhận xét cô đọng nhất và gần như là đầy đủ nhất về câu chuyện Hiệp nhất trong Kitô giáo trong hơn 2.000 năm qua. Sự khác biệt trong những suy tư về thần học Kitô giáo đã khiến những người luôn nhận mình "duy nhất" đã xa rời nhau và khiến cho Hội thánh của Chúa Kitô không thể "Hiệp nhất nên một" suốt hơn ngàn năm qua. Dù cho "Thiên Chúa luôn có cách" để khiến cho con người phải nhìn thấy quyền năng của Người trên từng cá thể, nhưng con người đã tự chia rẽ nhau và tự cho mình là đúng, là duy nhất. Nếu đứng từ trong vị trí của từng "hội thánh" đó gồm: (1) Công giáo - (2) Chính thống giáo - (3) Tin lành và những hội thánh khác, sẽ không ai chịu nhận mình không phải là duy nhất.
Vậy nếu đứng từ vị trí khách quan bên ngoài nhìn vào, dựa trên một tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại, liệu những người trung lập có thể nhìn thấy ở đâu trong ba Hội Thánh ấy, một Hội Thánh của Chúa Kitô!? Rất khó! Dường như không thể có câu trả lời cho câu hỏi đó, nên sựa chia cắt đã kéo dài đến cả ngàn năm như trên... Tạm để qua những khác biệt về thần học, lịch sử nhân loại đã ghi nhận sự phát triển chia cắt Kitô giáo như thế nào và những câu hỏi nào vẫn luôn được đặt ra để trả lời!? Chúng ta có thể xem xét một cách súc tích những khác biệt giữa (1) Công giáo - (2) Chính thống giáo - (3) Tin lành và những hội thánh khác bằng những câu hỏi.

Kitô giáo và câu chuyện Hiệp nhất Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo

1. Kinh Thánh mà ngày nay những người tin Chúa Kitô đang sử dụng, từ đâu mà có những câu - từ - quyển như hôm nay? - Một người bình thường sẽ tự hỏi những gì mình đọc trong sách Cựu Ước và Tân Ước có đúng không và từ năm nào chúng đã được ghi như thế? Trong 3 giáo hội nêu trên, đâu là bản Kinh Thánh chuẩn chỉnh nhất? Trước khi chúng ta tự trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết Công giáo - Catholic, là Giáo hội được lịch sử phát triển của nhân loại ghi nhận là Giáo hội gốc đã xuất hiện trước tiên, sau đó là sự chia cắt Đông - Tây với Chính Thống giáo và sự xuất hiện từ trong lòng GH Công giáo những người Tin lành. 

Khi chia cắt từ Công giáo, GH Chính Thống giáo chỉ khác biệt về việc giải thích Kinh Thánh, nhưng những người Tin lành đi xa hơn về việc dịch lại và giải thích Kinh Thánh! Nhưng không giáo hội nào trong Chính Thống giáo và Tin Lành đi đến việc xét lại gốc rễ của đức tin: vì sao chỉ có 4 quyển Phúc âm: Luca, Mác cô, Mát thêu, Gioan mà không  thêm vào những quyển Phúc âm khác? Vì ngoài 4 quyển Phúc âm mà các giáo hội đang cùng tin, còn đến khoảng hơn 20 quyển sách cũng có nội dung như các Phúc âm nhưng đã được Công giáo từ thời kỳ đầu không chấp nhận. Nhưng khi tách ra, cả Chính Thống giáo và Tin lành đều không đặt lại câu hỏi về việc có xem xét lại sử dụng 4 hay nhiều hơn 4 quyển Phúc âm!

2. Việc giải thích Kinh Thánh có ý nghĩa như thế nào với những người Tin lành? - Không chỉ nền tảng của quyền hành trong các giáo hội mà còn cả trong đời sống xã hội hiện đại, đã từ Kinh Thánh mà ra, chẳng hạn như trọn đời chỉ một vợ - một chồng là nền tảng của luân lý Kitô giáo. Lịch sử của GH Công giáo và Tin lành sẽ có cách diễn tả khác nhau về bên còn lại, nhưng lịch sử nhân loại ghi nhận sự kiện tách rời của Tin lành ra khỏi Công giáo xuất phát từ sự việc "không chấp nhận sự sa đọa của hàng giáo phẩm của Martin Luther". Tuy nhiên, không có nhiều người tìm hiểu và hiểu biết tận gốc rễ nội hàm được giải thích trong các nhà thờ xuất hiện sau phong trào của Ông Luther về việc "sự sa đọa của hàng giáo phẩm" cụ thể là gì? Một điều chắc chắn, tên gọi "bùa xá tội" là cách gọi mỉa mai của phía bên này dành cho phía bên kia, trong khi những người thuộc "phía bên này" không chấp nhận sử dụng tên gọi chính xác của nội hàm mà từ mỉa mai đó nói đến. 
3. Cả 2 sự chia cắt vào năm 1054 và năm 1517 đều không đơn giản là về cách giải thích thần học, hay giải thích những lời Thiên Chúa đã Mặc Khải cho con người qua Kinh Thánh. - Vì, nếu có một cái nhìn tổng quát từ ngoài nhìn vào, chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc Ly giáo Đông - Tây năm 1054 xuất phát từ việc bên nào phải phục tùng bên nào, thẩm quyền của Giáo hoàng, những dị biệt từ trước đó về văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nền văn hóa Latinh và Hy Lạp cũng là những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự chia cắt. Do đó, chính nền văn hóa được xác định trong cá nhân mỗi người, dẫn đến sự chia cắt của Giáo hội cùng với đó là quyền lực "ai phục tùng ai" cũng như Đế quốc nào phải phục tùng Đế quốc nào dẫn đến tôn giáo cũng phải bị chia cắt.

Kitô giáo và câu chuyện Hiệp nhất Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo

Và ngay cả cuộc ly giáo do Ông Martin Luther - một linh mục Công giáo thộc dòng tu Augustino, khởi xướng với việc dán 95 luận đề tại cửa nhà thờ của lâu đài Wittenberg ngày 31 tháng 10 năm 1517, cũng rồi bị xoáy vào việc tranh chấp quyền lực giữa các lãnh chúa Châu Âu. 

Trước năm 1517, quyền lực của Giáo hội Công giáo (hay được gọi là Nhà thờ) rất lớn, thậm chí có cả quyền xác định vị lãnh chúa nào là vua tại các vùng đất cụ thể nào đó ở Châu Âu. Nói cách khác, đó là thời kỳ mà sự chấp thuận của Giáo hoàng cho ngôi vị của một quân vương nào đó ở Châu Âu mới thật sự có giá trị hơn quyền kế thừa tự nhiên ngôi vị đó của họ. Chống lại Giáo hoàng, bỏ qua quá khứ vì sao phải được Giáo hoàng công nhận, để khẳng định cái riêng - cái duy nhất - cái độc lập của chính mình.

Rồi từ trong lòng Giáo hội Công giáo, một linh mục chính gốc trong một dòng tu đầy uy tín, Ông Luther xuất hiện, không chấp nhận quyền lực Giáo hoàng, những giải thích của Giáo hội mà Ông cho rằng những giải thích đó không đúng với Kinh Thánh mà ông đọc được, và sau này, tất cả những người Tin lành sẽ lấy nền tảng đó để tự giải thích Kinh Thánh theo ý riêng của mình mà không cần phải nghe theo bất kỳ Giáo hội, Hội thánh, Linh mục, Mục sư hay bất kỳ một cá nhân nào khác. Và thật trớ trêu, vì chính từ nền tảng "tự do giải thích Kinh Thánh" đó, có lẽ Ông Luther cũng không thể biết được sẽ xuất hiện giáo phái Tin lành khác là "Hệ phái Tin lành Mennonite" - với một quyển Phúc âm mới, một vị Tiên tri mới khác xa với những gì 3 Giáo Hội đang cùng thống nhất với nhau.

Sư xuất hiện của Ông Martin Luther, dĩ nhiên, đối với GH Công giáo là điều không thể chấp nhận, nhưng với những người chống lại quyền lực của Giáo hội và chống đối quyền lực lẫn nhau, thì đó chẳng khác nào "một cơ hội ngàn năm có một". Một bài học được những người Tin lành sẽ lắng nghe và ghi nhớ: Ông Martin Luther Cải chánh giáo hội Công giáo, GH Công giáo đàn áp những người theo Ông Luther và lập ra những Tòa án dị giáo để xét xử những người theo Ông Luther. Nhưng có một phần lịch sử bị bỏ quên khi người ta đề cập, vì chính những người Tin lành theo Ông Luther hoặc theo tư tưởng của ông cũng tấn công lại những người Công giáo. Sự tấn công lẫn nhau để bảo vệ chính mình là điều bình thường của lịch sử con người. 

Vậy Hệ quả mà Ông Luther đã mang đến cho những người muốn chống đối quyền hành của giáo hội Công giáo là gì? Đó chính là cuộc "Chiến tranh tôn giáo tại Châu Âu", điều mà sẽ không xảy ra tại Việt Nam trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử dân tộc chúng ta. Chiến tranh tôn giáo giữa Công giáo và Tin lành, chính là cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa những Lãnh chúa Châu Âu tranh chấp quyền lực với nhau dưới danh nghĩa chống lại Giáo hội Công giáo. Kết thúc của cuộc chiến tranh tôn giáo ấy là Hòa ước Ausburg (1555), với một trong những nguyên tắc xem như thắng lợi của những vị vua muốn chống đối quyền lực tập trung của Giáo hội:
Các nhà cai trị của 224 vùng lãnh thổ Đức chiếu theo lương tâm có thể chọn tôn giáo (phái Lutheran hoặc Giáo hội Công giáo Rôma) cho lãnh thổ của mình, người dân phải theo tôn giáo đó hoặc chuyển đi nơi khác (nguyên tắc cuius regio, eius religio)
Như vậy, thay vì 100% không được thách thức quyền lực Giáo hội, mà nay các "Nhà cai trị - tức các Vua, Lãnh chúa" đã có quyền thách thức điều đó bằng cách "chiếu theo lương tâm" và những người không đi theo lương tâm cá nhân đó, họ phải chuyển đi hoặc ở lại thì phải bỏ lương tâm của mình mà theo lương tâm của người khác. Và trong quyển sách "Tôn Giáo Thế Giới" của tác giả John Bowker (một linh mục Anh giáo và học giả nghiên cứu tôn giáo, tốt nghiệp ngành thần học và ngôn ngữ Đông phương tại đại học Oxford), sẽ cho chúng ta ví dụ về cuộc chiến tranh tôn giáo và cách cư xử của những người Công giáo cùng Tin lành với nhau: như khi Nữ hoàng Mary I của Anh lên ngôi, bà đàn áp những người Tin lành, đến khi em của bà là Nữ hoàng Elizabeth I của Anh lên ngôi sau đó, người Công giáo bị đàn áp.
Kitô giáo và câu chuyện Hiệp nhất Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo

4. Hiệp nhất trong cùng một Đức tin thật sự khó khăn. - Vì như những ví dụ và dẫn chứng ở trên, không chỉ riêng trong 1/ Đức tin và 2/Thần học mà còn chính trong 3/ Quyền lực chính trị của những người có hoặc không có đức tin, đã dẫn đến sự chia cách trong "Đàn chiên của Chúa Kitô". Mặc dù vậy, những giá trị thiêng liêng mà Thiên Chúa đã Mặc Khải cho con người trong suốt dòng lịch sử phát triển của nhân loại vẫn tồn tại và được gìn giữ bằng nhiều cách khác nhau. Trong thời kỳ Khai sáng và Phục hưng, người ta tin Khoa học sẽ thay thế Tôn giao - hay chính xác là Giáo hội với Đức tin vào Thiên Chúa Duy Nhất, thì hôm nay, không ít những Nhà Khoa học chân chính sẽ phải tự thốt lên về sự tồn tại kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người.

Một Đức tin nếu chỉ được xây dựng trên từng từ, từng câu, từng chữ đã được dịch ra hàng ngàn ngôn ngữ với hàng tỷ cách hiểu khác nhau sẽ là mầm mống của sự chia rẽ và không thể Hiệp nhất trong Mầu nhiệm Chúa Kitô. Mặc dù vậy, sự khác biệt nếu chỉ chăm chăm vào chúng, thì chúng sẽ vĩnh viễn khác biệt; nhưng nếu chúng ta chấp nhận và đồng ý cùng tìm hiểu với nhau, chúng ta sẽ tìm ra được những con đường tốt đẹp nhất để "Hiệp nhất nên một" như những gì chúng ta tin trong Kinh Thánh - nơi Lời Chúa được Mặc Khải cho nhân loại. Và, hãy lấy đời sống cùng lý trí mình để tin điều mình tin mà không mù quáng chỉ tin từ lời người khác nói. 

Những hệ quả trong lịch sử phát triển của nhân loại là không thể phủ nhận, nhất là những đau thương mà con người đã dành cho nhau và những điều tốt hoặc xấu đã được thay đổi hoặc mất đi. Thiên Chúa hiện diện cách Bí Ẩn nhưng không bao giờ không rõ ràng trong lịch sử con người, nhưng lịch sử con người cũng do chính con người viết nên theo cách hiểu của mình. Do đó, nếu Đức tin không được soi sáng cùng Lý trí và Thực tiễn đã diễn ra cả ngàn năm nay, chúng ta sẽ bị bơ vơ trong chính Đức tin của mình - vì không biết mình đã tin vào điều gì và điều đó có thật sự đúng hay không!?  Suy cho cùng, đừng biến Đức tin thành một "món hàng thời trang" để trang điểm cho cái tôi của mình, mà hãy thật sự trở lại với nguồn gốc của Đức tin của mình, trong một lý trí trưởng thành và không nghi hoặc. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể "Hiệp nhất nên một theo ý muốn của Thiên Chúa", ít nhất theo cách mà Giáo hội Công giáo luôn cố gắng, cầu nguyện cho nhau để cùng Hiệp nhất như Ý Chúa muốn.