Luận văn thạc sĩ luật học - “Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam”.
Luận văn thạc sĩ luật học - “Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam”
Thí sinh Hoa hậu Du lịch thế giới năm 2022 dâng hương tại Đền Hùng


YEUSUVIET - Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất là một trong những truyền thống quý báu và đặc sắc của người Việt Nam. Truyền thống này có nguồn gốc từ xa xưa và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thông qua việc thờ cúng, những người còn sống thể hiện sự thương tiếc, hiếu nghĩa và kính trọng với người đã khuất từ xa xưa cả trăm năm, ngàn năm hoặc chỉ vừa mới qua đời vài năm hay vài chục năm.



Trong các thời kỳ chế độ quân chủ Việt Nam trước đây, vấn đề thờ cúng tổ tiên là một điều bắt buộc và được quy định chính thức, cụ thể, kỹ lưỡng trong một số luật cổ như Quốc triều hình luật đời nhà Hậu Lê, Hoàng Việt luật lệ thời Nhà Nguyễn, trong các Bộ luật dân sự thi hành tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ nói chung trước ngày 02/9/1945. Qua đó, chúng ta nhận thấy được theo quan điểm lập pháp trước đây, thờ cúng là vấn đề cực kỳ quan trọng và phải được quy định cụ thể trong luật xưa với mục tiêu truyền tải nghĩa vụ thờ cúng đến vĩnh viễn.

Tuy nhiên, kể từ sau ngày 02/9/1945, Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với việc đề cao quyền công dân, “dân làm chủ” đã đòi hỏi chúng ta phải có những nhìn nhận, đánh giá về những quy định cũ xưa có còn phù hợp và cần được duy trì trong thời đại mới hay không? Do đó, sau khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, Việt Nam lần lượt ban hành các Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015. Cả ba Bộ luật dân sự đều quy định về việc thờ cúng thông qua tên gọi của quy định này là Di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tuy nhiên, cả ba Bộ luật dân sự đều chỉ dành duy nhất một điều luật để điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thờ cúng, mặc dù trong thực tiễn, vấn đề này bao gồm rất nhiều vấn đề khác nhau chưa được quy định cụ thể, như: xác định một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, khi nào thì di sản dùng vào việc thờ cúng bị chấm dứt, di sản thờ cúng có khác với di sản thường không… Với chỉ một điều luật duy nhất quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đã khiến cho một vấn đề quan trọng của xã hội vừa mang tính truyền thống đặc sắc cần được duy trì, vừa mang yêu cầu phải được quy định phù hợp trong thời đại mới chưa có những quy định cụ thể để điều chỉnh.

Tiếp theo, không có điều luật riêng nào trong cả ba Bộ luật dân sự có quy định cụ thể về vấn đề chấm dứt việc thờ cúng đối với tất cả các loại di sản dùng vào việc thờ cúng. 

Cả ba Bộ luật dân sự đều có đoạn thứ 3 thuộc Khoản 1 quy định về trường hợp có khả năng dẫn đến chấm dứt di sản thờ cúng. Đây là căn cứ chấm dứt duy nhất được quy định trong luật nhưng còn nhiều vấn đề mà điều luật này chưa quy định rõ ràng, thậm chí chưa phù hợp với tập quán về di sản thờ cúng.
Đặc biệt, khi pháp luật không điều chỉnh những vấn đề về hệ quả khi chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng, sẽ dẫn đến việc phát sinh tranh chấp giữa những người thừa kế, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoặc đăng ký quyền sở hữu. 

Quan trọng hơn hết, xuất phát từ bản chất thiêng liêng và nhân văn của việc thờ cúng, từ một truyền thống thờ cúng tổ tiên tốt đẹp cần được duy trì và phát huy, lại dẫn đến một hệ quả tranh chấp, khiếu kiện giữa chính những người cùng dòng máu, cùng tổ tiên. Khi vấn đề này xảy ra, xã hội không những bất ổn mà một truyền thống tốt đẹp của dân tộc còn có nguy cơ bị mai một, mất đi ý nghĩa cao quý từ đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

Dựa vào những đặc điểm từ thực tiễn và quy định của pháp luật về di sản thờ cúng nêu trên, tác giả chọn đề tài “Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam” để làm vấn đề nghiên cứu cho luận văn cao học của mình.

Thông qua quá trình nghiên cứu vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, tác giả đưa ra những bất cập và kiến nghị giải quyết những bất cập này trên khía cạnh căn cứ chấm dứt và hệ quả của vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam. Qua đó, giải quyết được một vấn đề về mặt chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng từ nghiên cứu thực tiễn và theo quy định của pháp luật.