Andrew Carnegie. Phúc âm về sự giàu có (1889) PDF


Bài viết này ban đầu có tiêu đề đơn giản là “Wealth” và được xuất bản trên tờ North American Review vào tháng 6/1889, được in lại trong Andrew Carnegie, The Gospelof Wealth and Other Timely Essays, ed. Andrew C. Kirkland (Cambridge, Mass.: 1962). Bài tiểu luận “Phúc âm về sự giàu có” của Andrew Carnegie được coi là một tài liệu nền tảng trong lĩnh vực từ thiện. Carnegie tin vào việc người giàu nên cho đi của cải khi còn sống, và bài tiểu luận này bao gồm một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông, “Người chết giàu như vậy là chết trong nhục nhã”. Đến nay, thông điệp của Carnegie tiếp tục gây tiếng vang và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo và nhà từ thiện trên khắp thế giới.

Xin giới thiệu với độc giả Việt Nam bản dịch đầy đủ.

Bài toán của thời đại chúng ta là quản lý tài sản một cách đúng đắn, để tình huynh đệ vẫn gắn kết người giàu và người nghèo trong mối quan hệ hài hòa. Trong vòng vài trăm năm qua, các điều kiện sống của con người không những đã được thay đổi mà còn trải qua một cuộc cách mạng. Ngày trước, có rất ít khác biệt trong nhà ở, trang phục, thức ăn và môi trường giữa người chủ và những hầu cận của ông ta. Ta có thể nhìn thấy bức tranh quá khứ đó ở xã hội của người da đỏ ngày nay. Khi đến thăm người Sioux, người ta dẫn tôi tới lều của tù trưởng. Nó giống như những chiếc khác về hình dáng bên ngoài, và ngay cả bên trong, sự khác biệt cũng không đáng kể giữa nó và những chiếc lều tồi tàn nhất trong số những thổ dân dũng cảm của ông ta. Sự tương phản giữa cung điện của triệu phú và ngôi nhà tranh của người lao động trong xã hội ta ngày nay cho ta thấy sự thay đổi mà văn minh đem lại. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đáng bị chê trách, mà còn nên được hoan nghênh vì mang lại nhiều lợi ích. Rõ ràng, điều cần thiết cho sự tiến bộ của nhân loại là nhà của một số người phải là những ngôi nhà cho tất cả những gì cao đẹp nhất và tốt nhất trong văn học và nghệ thuật, cũng như cho tất cả những tinh túy của nền văn minh, chứ không phải là chẳng có ngôi nhà nào như vậy. Sự khác biệt giàu nghèo lớn này là tốt hơn nhiều so với sự nghèo khổ phổ quát. Không có sự giàu có thì không thể có các nhà hảo tâm Mæcenas. Hoàn toàn không có cái gọi là “ngày xưa tốt đẹp”. Hồi đó, cả chủ và người hầu đều không có điều kiện tốt như ngày nay. Việc quay trở lại tình trạng cũ sẽ là thảm họa đối với cả hai — và hoàn toàn có thể người hầu sẽ chịu trận trước — và nó sẽ quét sạch nền văn minh. Hơn nữa, cho dù sự thay đổi này là tốt hay xấu đi chăng nữa, thì nó cũng đang xảy ra và chúng ta không thể cưỡng lại, do đó nó nên được chấp nhận và tận dụng tối đa. Sẽ là lãng phí thời gian nếu ngồi chỉ trích những điều không thể tránh khỏi.

 

Dễ thấy sự thay đổi đã đến như thế nào. Một ví dụ sẽ minh họa cho hầu hết mọi giai đoạn của quá trình thay đổi. Chúng tôi trải qua toàn bộ câu chuyện trong quá trình sản xuất sản phẩm. Nó áp dụng cho mọi sự kết hợp trong công nghiệp của con người, được kích thích và mở rộng bởi những phát minh của thời đại khoa học này. Các mặt hàng trước đây được sản xuất trong lò tại gia hoặc trong các cửa hàng nhỏ là một phần của hộ gia đình. Thợ cả và người học việc cùng làm việc cạnh nhau, người học việc sống với thợ cả nên chịu những điều kiện như nhau. Khi những người học việc này trở thành thợ cả, có rất ít hoặc không có sự thay đổi nào trong lối sống của họ, và đến lượt họ, họ lại dạy những người học việc tiếp theo bằng cùng một cách. Về cơ bản đã có sự bình đẳng xã hội, và thậm chí cả bình đẳng chính trị, vì những người tham gia ngành công nghiệp khi đó có rất ít hoặc không có tiếng nói chính trị trong Nhà nước.

 

Nhưng kết quả tất yếu của phương thức sản xuất như vậy là các sản phẩm thì thô mà giá thì cao. Ngày nay, thế giới có được những hàng hóa có chất lượng tuyệt vời với mức giá mà ngay cả thế hệ trước đó cũng cho là không thể tin được. Trong thế giới thương mại, những nguyên nhân tương tự đã tạo ra những kết quả tương tự, và nhờ đó nhân loại được hưởng lợi. Người nghèo giờ đây tận hưởng những thứ mà trước đây người giàu cũng không mua được. Những gì từng là xa xỉ nay đã trở thành những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người lao động bây giờ có nhiều tiện nghi hơn so với người chủ của cách đây vài thế hệ. Người nông dân ngày nay có nhiều xa hoa hơn địa chủ từng có, có quần áo sang trọng hơn và nhà ở tốt hơn. Người chủ thì có những cuốn sách và bức tranh hiếm hơn, và nội thất có chất nghệ thuật hơn so với những gì mà vua chúa có thể có ngày trước.

 

Không nghi ngờ gì, cái giá mà chúng ta phải trả cho sự thay đổi có lợi này là rất lớn. Chúng ta tập hợp hàng ngàn nhân công trong nhà máy, hầm mỏ và văn phòng, những người mà người chủ có thể biết rất ít hoặc không biết gì về họ, và đối với họ thì người chủ chỉ giống như một huyền thoại. Mọi giao tiếp giữa họ đều kết thúc. Các đẳng cấp cứng nhắc được hình thành, và như thường lệ, sự thiếu hiểu biết lẫn nhau sẽ tạo ra sự ngờ vực lẫn nhau. Mỗi đẳng cấp đều không có thiện cảm với đẳng cấp khác và sẵn sàng đổ lỗi. Theo luật cạnh tranh, người sử dụng hàng ngàn lao động bị buộc phải tham gia vào những sự tiết kiệm khắt khe nhất, trong đó nổi bật là khoản lương trả cho lao động, và thường có sự xung đột giữa người sử dụng lao động và người được tuyển dụng, giữa vốn và lao động, giữa người giàu và người nghèo. Xã hội loài người đang mất đi tính đồng nhất.

 

Cái giá mà xã hội phải trả cho luật cạnh tranh, giống như cái giá phải trả để có những tiện nghi và xa hoa rẻ, cũng rất lớn; nhưng lợi ích của luật này còn lớn hơn, vì chính nhờ luật này mà chúng ta có được sự phát triển vật chất tuyệt vời, mang lại những điều kiện được cải thiện. Nhưng, dù luật pháp có nhân từ hay không, chúng ta vẫn phải nói về nó, như nói về sự thay đổi hoàn cảnh của con người mà chúng ta đã đề cập: Nó đang ở đây; chúng ta không thể trốn tránh nó; không thể tìm thấy sự thay thế nào; và mặc dù luật pháp đôi khi có thể gây khó khăn cho cá nhân, nhưng nó lại tốt nhất cho dòng giống, bởi vì nó đảm bảo sự sống còn của những người phù hợp nhất trong mỗi lĩnh vực. Do đó, chúng ta chấp nhận và hoan nghênh, như những điều kiện mà chúng ta phải đáp ứng, sự bất bình đẳng lớn về môi trường, sự tập trung của kinh doanh, công nghiệp và thương mại vào tay một số ít người và luật cạnh tranh giữa những điều này, vì nó không chỉ mang lại lợi ích, mà còn là cần thiết cho sự tiến bộ trong tương lai của nhân loại. Sau khi đã chấp nhận những điều này, thì phải có phạm vi rộng lớn cho việc thực thi khả năng đặc biệt của thương gia và nhà sản xuất, những người phải tiến hành công việc trên quy mô lớn. Tài năng tổ chức và quản lý này rất hiếm, điều này được minh chứng bằng thực tế là nó luôn đảm bảo cho người sở hữu nó những phần thưởng to lớn, bất kể ở đâu, dưới luật lệ hay điều kiện nào. Khi những người từng trải trong ngành tìm kiếm đối tác, thì tài năng này không chỉ được đánh giá đầu tiên, mà nó còn khiến cho họ không quan tâm đến việc ANH TA có nhiều hay ít vốn, vì những người có tài như vậy sẽ sớm tạo ra vốn; trong khi ngược lại, nếu không có loại tài năng cần thiết này thì vốn sẽ sớm không cánh mà bay. Những người như vậy được quan tâm đến ở các công ty hoặc tập đoàn sử dụng hàng triệu đô la; và nếu chỉ tính lãi suất đơn giản trên số vốn đầu tư, thì thu nhập của họ phải vượt quá chi tiêu và họ phải tích lũy được của cải. Cũng không có bất kỳ mảnh đất trung gian nào để những người như vậy nắm giữ, bởi vì nếu công ty sản xuất hoặc thương mại lớn mà không kiếm được ít nhất tiền lãi từ vốn của nó thì sẽ sớm bị phá sản. Nó phải tiến lên hoặc sẽ bị tụt lại phía sau: đứng yên là không thể. Điều kiện cần thiết để hoạt động thành công là nó phải có lãi, và thậm chí, ngoài lãi vốn, nó còn phải tạo ra lợi nhuận. Đó là một luật, chắc chắn như bất kỳ luật nào khác được nêu tên, rằng những người có tài năng vận hành công việc đặc biệt này, trong cuộc chơi tự do của các lực lượng kinh tế, nhất thiết phải sớm nhận được nhiều doanh thu hơn mức có thể chi tiêu một cách thận trọng cho bản thân. Và luật này cũng có lợi cho nhân loại như những luật khác.

 

Sự phản đối chống lại những nền tảng của xã hội là phi lý, bởi vì điều kiện sống của nhân loại trên những nền tảng này là tốt hơn so với bất kỳ nền tảng nào khác đã được thử qua. Và chúng ta cũng không thể chắc chắn về tác dụng của bất kỳ giải pháp thay thế mới nào một khi chúng mới chỉ là đề xuất. Những người theo Chủ nghĩa Xã hội hoặc Vô Chính phủ đang tìm cách lật đổ các điều kiện hiện tại sẽ bị coi là tấn công vào nền móng mà xã hội văn minh dựa vào, vì văn minh bắt đầu từ ngày mà người công nhân cần cù có năng lực nói với người bạn kém năng lực và lười biếng của mình rằng: “Nếu không gieo, thì bạn sẽ không được gặt,” và do đó đã chấm dứt Chủ nghĩa Cộng sản nguyên thủy bằng cách tách ong đực ra khỏi ong thợ. Những người nghiên cứu chủ đề này sẽ sớm phải đối mặt với kết luận rằng bản thân nền văn minh phụ thuộc vào tính thiêng liêng của quyền sở hữu – quyền của người lao động đối với trăm đô la tiết kiệm của mình trong ngân hàng, và quyền hợp pháp tương tự của triệu phú đối với tài sản triệu đô của mình. Do đó, đối với những người đề xuất thay thế Chủ nghĩa Cá nhân mãnh liệt này bằng Chủ nghĩa Cộng sản, câu trả lời sẽ là: Nhân loại đã thử rồi. Mọi tiến bộ từ ngày man rợ đó đến thời điểm hiện tại đều là kết quả của sự dịch chuyển trên. Sự tích lũy của cải bởi những người có khả năng và nghị lực tạo ra nó đã đem đến cho nhân loại không phải cái ác mà là cái thiện. Nhưng ngay cả khi giả sử chúng ta thừa nhận trong chốc lát rằng, có lẽ tốt hơn cho loài người là nên loại bỏ nền tảng hiện tại của nó, Chủ nghĩa cá nhân, — rằng lý tưởng cao quý hơn là con người nên nỗ lực không chỉ vì bản thân mình mà vì tình huynh đệ của đồng loại, và chia sẻ chung với tất cả họ, hiện thực hóa ý tưởng của Swedenborg về Thiên đường, nơi mà, như ông nói, các thiên thần có được hạnh phúc không phải từ sự lao động vì bản thân mà vì nhau, — thậm chí nếu chấp nhận tất cả những điều này, thì chỉ cần một câu trả lời là: Đây sẽ không phải là tiến hóa mà là cách mạng. Nó sẽ đòi hỏi hàng tỷ năm để thay đổi bản chất cốt lõi của con người ngay cả khi việc thay đổi đó là điều tốt, nhưng thậm chí chúng ta cũng không thể chắc chắn là tốt.

 

Chuyện này là không khả thi ở hiện tại và cả trong thời đại chúng ta. Ngay cả khi chuyện này là đáng mong muốn về mặt lý thuyết, thì nó thuộc về một tầng xã hội học khác và còn lâu mới đến. Nhiệm vụ của chúng ta là làm những gì có thể thực hiện được ngay bây giờ; với bước tiếp theo có thể thực hiện được trong thời đại và thế hệ của chúng ta. Sẽ là tội ác nếu lãng phí sức lực của chúng ta để cố gắng nhổ rễ, khi mà tất cả những gì chúng ta có thể đạt được và tạo ra lợi ích là uốn cong một chút cái cây nhân loại (universal tree of humanity) theo hướng thuận lợi nhất để cho ra quả ngọt trong hoàn cảnh hiện tại. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể thúc giục tiêu diệt nhóm những đại diện cao đẹp nhất hiện có của loài người chỉ vì họ không đạt được lý tưởng của chúng ta, cũng như ủng hộ việc tiêu diệt Chủ nghĩa Cá nhân, Tài sản Tư nhân, Luật Tích lũy Của cải và Luật Cạnh tranh; bởi vì đây là những kết quả cao nhất của kinh nghiệm của con người, là mảnh đất canh tác mà trên đó xã hội đã sinh ra những quả ngọt tốt nhất cho đến nay. Có lẽ những luật này đôi khi vận hành một cách không bình đẳng hoặc bất công, và chúng tỏ ra không hoàn hảo đối với Người theo chủ nghĩa duy tâm (Idealist), tuy nhiên, chúng giống như nhóm những người cao đẹp nhất, là thứ tốt nhất và có giá trị nhất trong tất cả những gì nhân loại từng có thể đạt được.

 

Như vậy, chúng ta bắt đầu với một tình huống trong đó lợi ích tốt nhất của nhân loại được thúc đẩy, nhưng tất yếu sẽ mang lại sự giàu có cho một số ít. Cho đến nay, khi chấp nhận các điều kiện hiện có, thì tình hình có thể được khảo sát và tuyên bố là tốt. Khi đó, câu hỏi được đặt ra là,—và, nếu những điều trên là đúng, thì đây là câu hỏi duy nhất mà chúng ta phải giải quyết,—Phương thức quản lý của cải thích hợp sẽ như thế nào, một khi những luật lệ nền tảng của văn minh đã trao nó vào tay một số ít người? Và đây chính là câu hỏi vĩ đại mà tôi tin rằng tôi đang đưa ra một giải pháp thực sự. Cần hiểu rằng, ở đây chúng ta nói đến những tài sản lớn chứ không phải những khoản tiền vừa phải tích cóp được sau nhiều năm nỗ lực, số tiền thu được cần thiết để duy trì và giáo dục gia đình một cách thoải mái. Đấy không phải là sự giàu có, mà chỉ là năng lực mà tất cả mọi người đều nên hướng tới.

 

Chỉ có ba cách để phân phối của cải dư thừa. Có thể để lại cho gia đình người quá cố; hoặc có thể di chúc lại cho mục đích công cộng; hoặc cuối cùng, có thể được quản lý bởi những người sở hữu nó khi họ còn sống. Theo phương thức thứ nhất và thứ hai, thì hầu hết của cải trên thế giới thuộc về một số ít người như đã được áp dụng cho đến nay. Chúng ta hãy lần lượt xem xét từng phương thức. Cách đầu tiên là kém thông minh nhất. Ở các quốc gia theo chế độ quân chủ, đất đai và phần lớn tài sản được để lại cho con trai cả, để cha mẹ có được sự thỏa mãn phù phiếm khi nghĩ rằng tên tuổi và tước hiệu của họ sẽ được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp mà không bị suy suyển. Tình trạng của giai cấp này ở châu Âu ngày nay cho thấy những hy vọng và tham vọng như vậy là vô ích. Những người kế vị đã trở nên nghèo khó vì những hành động điên rồ của họ, hoặc do giá trị đất đai giảm sút. Ngay cả ở Anh, luật thừa kế nghiêm ngặt cũng được cho là không đủ để duy trì địa vị của một giai cấp cha truyền con nối. Đất đai ở đó đang nhanh chóng lọt vào tay người lạ. Dưới các thể chế cộng hòa, việc phân chia tài sản giữa con cái là công bằng hơn nhiều, nhưng câu hỏi đặt ra cho những người đàn ông biết suy nghĩ ở mọi vùng đất là: Tại sao người ta lại nên để lại khối tài sản lớn cho con cái mình? Nếu điều này được thực hiện từ tình cảm, thì liệu đó có phải là tình cảm sai lầm? Quan sát cho thấy rằng, nói chung sẽ không tốt cho trẻ nếu chúng phải chịu gánh nặng như vậy. Nó cũng không tốt đẹp gì cho nhà nước. Ngoài việc cung cấp cho vợ và con gái những nguồn thu nhập vừa phải, và những khoản trợ cấp rất vừa phải nếu có, thì người cha nên cân nhắc khi cho các con trai, vì giờ đây không còn nghi ngờ gì rằng số tiền lớn được để lại thường gây hại cho người nhận hơn là có ích. Những người khôn ngoan sẽ sớm đi đến kết luận rằng, vì lợi ích tốt nhất của các thành viên trong gia đình họ và của nhà nước, một di chúc như vậy là cách sử dụng của cải sai lầm.

 

Tôi không đề xuất rằng những người cha không giáo dục được con trai mình tự kiếm kế sinh nhai thì nên bỏ mặc chúng rơi vào cảnh nghèo đói. Nếu bất kỳ người cha nào thấy phù hợp để nuôi dạy con trai của mình với mục đích cho chúng một cuộc sống nhàn rỗi, hoặc, đây là điều rất đáng khen ngợi, nếu họ truyền cho chúng cảm giác rằng chúng có thể lao động vì mục đích công cộng mà không cần cân nhắc đến tiền bạc, thì tất nhiên, nhiệm vụ của phụ huynh là đảm bảo rằng những điều đó được cung cấp ở mức độ vừa phải. Có những trường hợp con trai của các triệu phú không bị sự giàu có làm cho hư hỏng, và dù giàu có nhưng vẫn thực hiện những công việc hữu ích trong cộng đồng. Đó là muối của trái đất, rất có giá trị, nhưng thật không may là chúng rất hiếm; vẫn không phải là ngoại lệ mà là quy luật, rằng người cha phải quan tâm đến chuyện này, và khi nhìn vào hậu quả thường thấy của những khoản tiền khổng lồ được trao cho những người thừa kế, thì người cha chín chắn phải nói ngắn gọn: “Thà tôi để lại cho con trai một lời nguyền còn hơn là đồng đô la toàn năng này,” và thừa nhận với bản thân rằng không phải phúc lợi của những đứa trẻ mà chính là niềm kiêu hãnh của gia đình đã truyền cảm hứng cho những di sản to lớn này.

 

Đối với phương thức thứ hai, để lại của cải khi chết để sử dụng vào mục đích công cộng, có thể nói rằng đây chỉ là một phương tiện để phân phối của cải với điều kiện là một người sẵn sàng đợi cho đến khi chết trước khi tài sản đó trở nên có ích cho thế giới. Người ta đã không tính toán ngay từ đầu để truyền cảm hứng cho những điều tốt đẹp mà số của cải đó có thể đem lại sau khi họ lìa đời. Không hiếm trường hợp mà rốt cuộc mục đích thực sự của người lập di chúc đã không đạt được, và cũng không ít trường hợp mà ước nguyện thực sự của người lập di chúc bị cản trở. Trong nhiều trường hợp, di sản được sử dụng đến nỗi chỉ trở thành tượng đài cho sự điên rồ của người lập di chúc. Chúng ta nên nhớ rằng, việc sử dụng của cải để thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng đòi hỏi tài năng không kém so với tài năng kiếm được chúng. Bên cạnh đó, có thể nói một cách công bằng rằng không một người nào nên được khen ngợi khi làm điều mà anh ta không thể không làm, cũng như cộng đồng không nên cảm ơn anh ta một khi anh ta chỉ để lại của cải sau khi chết. Có thể cho rằng, những người để lại số tiền lớn theo cách này trên thực tế sẽ không làm vậy nếu họ có thể mang nó theo. Những ký ức về người đó không thể được lưu giữ trong sự tưởng nhớ đầy biết ơn, vì không có ân sủng trong những món quà của họ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những di sản như vậy nhìn chung là thiếu phước lành.

 

Xu hướng đánh thuế ngày càng nhiều vào những tài sản lớn để lại sau khi chết là một dấu hiệu đáng mừng về sự gia tăng của một thay đổi có lợi trong dư luận. Bang Pennsylvania hiện nay lấy—trừ một số trường hợp ngoại lệ—một phần mười tài sản mà công dân của bang để lại. Ngân sách được trình bày mới đây tại Quốc hội Anh đề xuất tăng thuế tử vong; và quan trọng nhất là thuế mới sẽ là thuế lũy tiến. Trong tất cả các hình thức đánh thuế, đây có vẻ là hình thức khôn ngoan nhất. Những người tiếp tục tích trữ số tiền lớn suốt đời mà việc sử dụng số tiền đó cho mục đích công cộng một cách hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng, cần phải cảm thấy rằng cộng đồng, dưới hình thức nhà nước, sẽ không thể bị tước đi phần chia thích hợp của mình. Bằng cách đánh thuế nặng vào tài sản khi một người qua đời, nhà nước bày tỏ sự lên án đối với cuộc sống không xứng đáng của nhà triệu phú ích kỷ.

 

Thật tốt nếu các quốc gia tiến xa hơn nữa theo hướng này. Thật vậy, rất khó để đặt ra giới hạn cho phần tài sản chia cho công chúng thông qua nhà nước của một người giàu khi ông ta qua đời, và chắc chắn là những loại thuế như vậy phải được chia theo cấp độ, bắt đầu từ số không với số tiền vừa phải cho những người phụ thuộc, và tăng nhanh khi số tiền tăng lên, cho đến khi tài sản tích trữ của các triệu phú, như trong trường hợp của Shylock (nhân vật trong kịch Shakespeare – ND), ít nhất là

 

“Nửa còn lại

Được đưa vào kho bạc riêng của nhà nước.”

 

Chính sách này sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc khuyến khích người giàu tham gia quản lý tài sản trong suốt cuộc đời của mình, và đây là mục tiêu mà xã hội luôn phải để ý, bởi lẽ nó mang lại lợi ích cao nhất cho người dân. Cũng không cần phải lo sợ rằng chính sách này sẽ làm xói mòn gốc rễ của doanh nghiệp và làm giảm mong muốn tích lũy của mọi người, vì đối với tầng lớp có tham vọng để lại khối tài sản lớn và được nhắc đến sau khi họ qua đời, nó sẽ còn thu hút họ nhiều hơn. Và thực sự, đó sẽ là một tham vọng cao cả hơn: có được số tiền khổng lồ nộp cho nhà nước từ tài sản của họ.

 

Như vậy, chỉ còn lại một phương thức sử dụng khối tài sản lớn; nhưng trong phương thức này, chúng ta có thuốc giải thực sự cho sự phân bổ của cải không đồng đều tạm thời, có sự hòa giải giữa người giàu và người nghèo – một triều đại hài hòa – một lý tưởng mà trên thực tế khác với lý tưởng của người Cộng sản ở chỗ chỉ đòi hỏi sự tiến hóa hơn nữa của những điều kiện hiện có, chứ không phải sự lật đổ hoàn toàn nền văn minh của chúng ta. Nó có nền tảng là chủ nghĩa cá nhân mãnh liệt nhất hiện nay, và nhân loại dự kiến ​​sẽ áp dụng nó tùy mức độ bất cứ khi nào họ muốn. Dưới quyền năng của nó, chúng ta sẽ có một nhà nước lý tưởng, ở đó của cải dư thừa của một số ít sẽ trở thành tài sản của số đông, theo nghĩa tốt nhất, bởi vì nó được quản lý vì lợi ích chung, và của cải này, được chuyển qua tay một số ít, có thể trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn nhiều để nâng cao nhân loại chúng ta, hơn là so với khi nó được phân phát thành những khoản tiền nhỏ trực tiếp cho người dân. Chúng ta có thể khiến cho cả những người nghèo nhất cũng có thể nhận ra điều này, và đồng ý rằng những khoản tiền lớn do một số đồng bào của họ thu thập và chi tiêu cho các mục đích công cộng, từ đó quần chúng thu được lợi ích chính, thì có giá trị hơn cho họ so với việc phân chia cho họ trong một quá trình kéo dài nhiều năm với số lượng nhỏ trong nhiều năm.

 

Chẳng hạn, nếu chúng ta xem xét những kết quả mà Viện Cooper đem lại cho những con người ưu tú nhất nhưng nghèo ở New York, và so sánh những kết quả này với kết quả lẽ ra sẽ phát sinh vì lợi ích của quần chúng từ một khoản tiền bằng nhau được phân chia bởi Ngài Cooper trong đời mình dưới dạng tiền lương, vốn là hình thức phân phối cao nhất vì là trả cho công việc được thực hiện chứ không phải để làm từ thiện, thì chúng ta có thể ước tính về khả năng cải thiện giống loài được quy định trong luật hiện hành về tích lũy của cải. Phần lớn số tiền này, nếu được phân phối với số lượng nhỏ cho người dân, sẽ bị lãng phí vì được dùng để thỏa mãn ham muốn. Kể cả khi số tiền được chia vượt quá nhu cầu trước mắt, thì người ta có thể nghi ngờ, thậm chí ngay cả khi phần tiền đó được sử dụng tốt nhất, ví dụ để tăng thêm tiện nghi của ngôi nhà, thì liệu nó có mang lại kết quả cho nhân loại ở mức có thể so sánh được với những kết quả đang và sẽ tiếp tục được sản sinh từ Viện Cooper từ thế hệ này sang thế hệ khác hay không. Hãy để những người ủng hộ sự thay đổi bạo lực hoặc cực đoan suy ngẫm kỹ về điều này.

 

Chúng ta thậm chí có thể tiếp tục bằng cách lấy một ví dụ khác, ví dụ về việc Ngài Tilden đã di chúc năm triệu đô la cho một thư viện miễn phí ở thành phố New York. Nhưng khi đề cập đến trường hợp này, người ta không thể không nói thêm rằng, sẽ tốt hơn biết bao nếu Ngài Tilden cống hiến những năm cuối đời của mình để quản lý hợp lý số tiền khổng lồ này; trong trường hợp đó, cả tranh chấp pháp lý hay bất kỳ nguyên nhân trì hoãn nào khác đều không thể cản trở mục tiêu của ông ta. Nhưng chúng ta hãy giả sử rằng hàng triệu đô la của Ngài Tilden cuối cùng đã trở thành phương tiện mang lại cho thành phố này một thư viện công cộng cao quý, nơi kho báu của thế giới chứa trong sách sẽ được mở ra cho tất cả mọi người mãi mãi, miễn phí. Xét đến lợi ích của bộ phận giống nòi sống ở trong và xung quanh Đảo Manhattan, liệu lợi ích lâu dài của họ có được phát huy tốt hơn nếu hàng triệu đô la này được phép biến thành những khoản tiền nhỏ đến tay quần chúng? Ngay cả người ủng hộ tích cực nhất Chủ nghĩa Cộng sản cũng phải nghi ngờ về điều này. Phần lớn những người suy nghĩ có lẽ sẽ không nghi ngờ gì.

 

Những cơ hội của chúng ta trong cuộc đời này rất nghèo nàn và hạn chế; tầm nhìn của chúng ta hạn hẹp; công việc tốt nhất của chúng ta rất không hoàn hảo; nhưng những người giàu có nên biết ơn vì một lợi ích vô giá. Trong cuộc đời mình, họ có quyền năng bận rộn tổ chức các hoạt động từ thiện mà từ đó quần chúng đồng loại của họ sẽ nhận được lợi ích lâu dài, qua đó đem lại phẩm giá cho cuộc đời của chính họ. Có lẽ người ta có thể đạt đến cuộc sống cao nhất không phải bằng cách bắt chước cuộc đời của Chúa Kitô như Bá tước Tolstoy đã cho chúng ta, mà, trong khi được thổi hồn bởi tinh thần của Chúa Kitô, bằng cách nhận ra những điều kiện đã thay đổi của thời đại này và áp dụng các phương thức thể hiện tinh thần này phù hợp với những điều kiện đã thay đổi mà chúng ta đang sống; vẫn lao động vì lợi ích của đồng loại, vốn là bản chất của cuộc đời và lời dạy của ngài, nhưng lao động theo một cách khác.

 

Vì vậy, đây được coi là nghĩa vụ của người Giàu: Đầu tiên, phải nêu gương về lối sống khiêm nhường, tránh phô trương hoặc xa hoa; đáp ứng vừa phải những nhu cầu chính đáng của những người phụ thuộc vào anh ta; và sau khi làm như vậy, coi tất cả các khoản thu nhập thặng dư đến với anh ta chỉ đơn giản là quỹ tín thác mà anh ta được yêu cầu quản lý và bị ràng buộc chặt chẽ như một vấn đề nghĩa vụ phải quản lý theo cách mà anh ta đánh giá là đã được tính toán tốt nhất để tạo ra kết quả có lợi nhất cho cộng đồng. Người giàu do đó trở thành người đại diện và người được ủy thác đơn thuần cho những người anh em nghèo hơn của mình, mang đến cho họ sự khôn ngoan, kinh nghiệm và khả năng quản lý vượt trội của mình, làm cho họ tốt hơn so với việc họ muốn làm và có thể tự làm cho chính họ.

 

Ở đây có một khó khăn trong việc xác định số tiền vừa phải để lại cho các thành viên trong gia đình là bao nhiêu; thế nào là sống khiêm nhường không phô trương; và thử thách của sự xa hoa là gì. Phải có những tiêu chuẩn khác nhau cho những điều kiện khác nhau. Câu trả lời là không thể nêu chính xác số lượng hoặc hành động, cũng như không thể xác định thế nào là cách cư xử tốt, gu thẩm mỹ tốt hoặc các quy tắc đúng đắn; tuy nhiên, đây là những sự thật, được biết đến rộng rãi mặc dù không thể xác định được. Công chúng rất nhanh chóng biết và cảm nhận những gì xúc phạm họ. Trường hợp của cải cũng giống như vậy. Quy tắc liên quan đến gu ăn mặc đẹp của nam hay nữ cũng được áp dụng ở đây. Bất cứ điều gì khiến người ta quá để ý đều phạm quy. Nếu bất kỳ gia đình nào nổi tiếng chủ yếu vì trưng bày, vì sự xa hoa trong nhà cửa, bàn ăn, xe cộ, với số tiền khổng lồ được chi tiêu một cách phô trương dưới bất kỳ hình thức nào, nếu đây là những điểm khác biệt chính của họ, thì chúng ta không gặp khó khăn gì trong việc ước tính bản chất hay văn hóa của họ. Tương tự như vậy đối với việc sử dụng hoặc lạm dụng của cải dư thừa, hoặc đó là thái độ dành cho sự hợp tác hào phóng và tự nguyện trong việc sử dụng cho mục đích công cộng tốt đẹp, hoặc cho những nỗ lực không ngừng để tích lũy và tích trữ đến tận cùng, hoặc là quản lý cho lợi ích công cộng, hoặc là di chúc lại.

 

Phán quyết sẽ được đưa ra dựa trên ý kiến tốt nhất và sáng suốt nhất của công chúng. Cộng đồng chắc chắn sẽ phán xét và những phán xét của họ thường không sai.

 

Những cách sử dụng tốt nhất của cải dư thừa đã được chỉ ra. Những người muốn quản lý một cách khôn ngoan thì thực sự phải khôn ngoan, vì một trong những trở ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển của dòng giống chúng ta là lòng bác ái bừa bãi. Thà ném hàng triệu đô của người giàu xuống biển thì còn tốt cho nhân loại so với việc dùng tiền đó để thỏa mãn những kẻ lười biếng, say xỉn, hèn hạ. Ngày nay, trong mỗi nghìn đô la được chi cho cái gọi là từ thiện, có thể có 950 đô la được chi tiêu một cách thiếu khôn ngoan; thiếu khôn ngoan đến mức thực tế đã tạo ra chính những tệ nạn mà nó định giảm thiểu hoặc chữa trị. Một nhà văn nổi tiếng chuyên viết sách triết học hôm nọ thừa nhận rằng ông ấy đã đưa một phần tư đô la cho một người đàn ông tiến đến gần khi ông ấy đang đi đến nhà bạn. Ông ấy không biết gì về thói quen của người ăn xin này; không biết số tiền sẽ được sử dụng như thế nào, mặc dù có mọi lý do để nghi ngờ rằng số tiền đó sẽ được chi tiêu không đúng mục đích. Người đàn ông này tự nhận là đệ tử của Herbert Spencer; tuy nhiên, một phần tư đô la được cho đi đêm đó có thể sẽ gây tổn hại nhiều hơn so với lợi ích mà tất cả số tiền mà nhà hảo tâm thiếu suy nghĩ này có thể đem làm từ thiện thực sự. Ông ấy chỉ thỏa mãn cảm xúc của chính mình, để tránh sự khó chịu, và đây có lẽ là một trong những hành động ích kỷ nhất và tồi tệ nhất trong cuộc đời ông ấy, vì xét về mọi mặt, ông ấy là người xứng đáng nhất.

 

Khi làm từ thiện, điều quan trọng nhất là giúp những người tự giúp mình; cung cấp một phần phương tiện để những người mong muốn cải thiện có thể thực hiện điều đó; cung cấp cho những ai muốn sử dụng phương tiện hỗ trợ để vươn lên; chỉ hỗ trợ chứ hiếm khi hoặc không bao giờ làm tất cả. Cả cá nhân lẫn giống loài đều không thể được cải thiện nhờ bố thí. Những người đáng được giúp đỡ, trừ những trường hợp hiếm hoi, hiếm khi yêu cầu được giúp đỡ. Những người thực sự có giá trị không bao giờ làm vậy, trừ trường hợp xảy ra tai nạn hoặc thay đổi đột ngột. Tất nhiên, mỗi người đều có những trường hợp cá nhân được biết đến mà sự hỗ trợ tạm thời có thể mang lại lợi ích thực sự, và anh ta sẽ không bỏ qua những trường hợp này. Nhưng số tiền mà một cá nhân có thể trao tặng một cách khôn ngoan cho các cá nhân khác nên được giới hạn bởi sự thiếu hiểu biết của anh ta về hoàn cảnh liên quan đến từng cá nhân. Chỉ anh ta mới là nhà cải cách thực sự, người luôn cẩn thận và lo lắng để tránh không giúp những người không xứng đáng như đang giúp những người xứng đáng, và, có lẽ, thậm chí còn hơn thế nữa, vì khi bố thí, người ta có thể gây ra nhiều tác hại hơn bằng cách khen thưởng tội lỗi so với bỏ sót đức hạnh.

 

Do đó, người giàu gần như bị giới hạn trong việc noi gương Peter Cooper, Enoch Pratt ở Baltimore, Ngài Pratt ở Brooklyn, Thượng nghị sĩ Stanford và những người khác, những người biết rằng cách tốt nhất để mang lại lợi ích cho cộng đồng là đặt trong tầm tay họ những chiếc thang để những ai khao khát có thể trèo lên—các công viên và phương tiện giải trí, nơi mọi người được giúp đỡ về thể chất và tinh thần; các tác phẩm nghệ thuật mà chắc chắn sẽ mang lại niềm vui và cải thiện thị hiếu công chúng, cũng như các thể chế công cộng đa dạng nhằm cải thiện điều kiện chung của người dân. Bằng cách này, họ trả lại của cải thặng dư cho đông đảo đồng loại của mình dưới những hình thức được tính toán tốt nhất để mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

 

Vấn đề Giàu và Nghèo phải được giải quyết như vậy. Luật tích lũy của cải sẽ vẫn được tự do; luật phân phối cũng tự do. Chủ nghĩa cá nhân sẽ tiếp tục, nhưng triệu phú sẽ chỉ là người được ủy thác của người nghèo; được giao phó phần lớn tài sản ngày càng tăng của cộng đồng trong một khoảng thời gian, nhưng quản lý nó cho cộng đồng tốt hơn nhiều so với những gì cộng đồng có thể tự làm cho mình. Như vậy, những bộ óc tốt nhất sẽ đạt đến một giai đoạn phát triển của nhân loại mà người ta thấy rõ rằng không có phương thức xử lý của cải dư thừa nào khác đáng tin cậy hơn đối với những người chu đáo và nghiêm túc mà tài sản đó sẽ được an toàn trong tay họ, bằng việc sử dụng nó hàng năm cho lợi ích chung. Ngày đó đang đến rồi. Nhưng trong một thời gian ngắn, và mặc dù không gợi được sự thương hại của đồng loại, người ta có thể qua đời khi vẫn nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp lớn mà vốn của họ không thể hoặc chưa được rút ra, và chủ yếu sẽ được để lại sau khi chết vì mục đích công cộng, nhưng người ra đi để lại nhiều triệu đô la mà lẽ ra có thể  quản lý cho lợi ích công cộng khi còn sống, thì sẽ ra đi mà “không được khóc thương, không được vinh danh và không được ngợi ca”, bất kể mục đích của việc ông ta để lại những dư thừa mà mình không thể mang theo là gì. Đối với những người như vậy, phán quyết của công chúng sẽ là: “Người nào chết giàu như vậy là chết trong nhục nhã.”

 

Theo tôi, đó là Phúc Âm đích thực liên quan đến Sự Giàu có, mà sự vâng phục nó một ngày nào đó chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề của Giàu và Nghèo, và mang lại “Hòa bình trên trái đất, thiện chí giữa loài người”.

 

PhanPhương Đạt dịch từ nguồn: The Gospel of Wealth