Header Ads Widget

Sách "Chiến binh cầu vồng" - Andrea Hirata - Giấc mơ của những đứa trẻ

YEUSUVIET.COM - Khi những dòng chữ cuối cùng khép lại, tôi như không thể tin được quyển sách này sẽ kết thúc tại đây - "Chiến binh cầu vồng" của tác giả Andrea Hirata. Đó là một quyển sách hay, lôi cuốn và thật buồn. Quyển sách hơn 400 trang này đã làm thay đổi một trong những quần đảo nghèo nhất của Indonesia bằng cách lôi kéo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến với nơi này. Hơn thế nữa, tác giả của Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata, đã viết lại những năm tháng tuổi thơ cơ cực, nghèo khó của mình bằng quyển sách như lời tuyên ngôn cho giấc mơ giáo dục của chính ông. Quyển sách là hành trình thực hiện giấc mơ đến trường của 10 đứa trẻ nghèo đói của vùng Belitong và kết thúc với những lời đáp đầy nước mắt và hoài niệm khác nhau của số phận.

YÊU SỬ VIỆT

Ikal - nhân vật chính của quyển sách, cũng chính là hình ảnh của tác giả lúc nhỏ là người "khá" nhất trong đám bạn của mình. Cậu nhóc vẫn cùng một mẫu số nghèo với những người bạn còn lại nhưng may mắn hơn khi không phải nạo cùi dừa khô, hái tiêu, sống bằng nghề ngư dân hay vượt qua dòng sông đầy cá sấu hung dữ để đến trường... Ikal cùng 9 người bạn còn lại đã gọi mình là đội "Chiến binh cầu vồng" - là hình ảnh của chiếc cầu vồng sau mưa bắt ngang qua chân trời từ hai dãi đất và là những giấc mơ đẹp nhất của lứa tuổi học trò được cắp sách đến trường và bên nhau. Trên hết tất cả, quyển sách chính là hình ảnh đẹp nhất của tình bạn thuần khiết - cùng vượt qua gian khó, cùng động viên nhau đến trường và cùng khoác vai nhau trên hành trình "Đừng bỏ học".

Nhưng, như hình ảnh những linh hồn luôn tồn tại bí ẩn và linh thiêng trong mỗi con người theo đức tin tôn giáo, những "Chiến binh Cầu vồng" cũng có linh hồn cho những giấc mơ của họ, và họ có đến những hai linh hồn để nuôi sống giấc mơ của mình - đó là thầy Harfan và cô Mus. Thầy Harfan - ông giáo già nghèo khổ đã dành cả cuộc đời để xây dựng và duy trì ngôi trường tiểu học Hồi giáo Muhammadiyal. Khi mở đầu câu chuyện, ngôi trường sẽ đóng cửa nêu ngày khai giảng lớp mới không có đủ mười học sinh. Tôi sẽ không thể quên được những hình ảnh khắc khổ cứ dần dần hiện lên trong trí tưởng tượng của mình qua từng lời miêu tả của Hirata. Chín gia đình nghèo khổ cứ dằn vặt giữa việc cho con đến trường và việc đưa chúng đi làm để kiếm miếng ăn... Câu chuyện sẽ kết thúc, nếu không có Harun - chàng trai có nụ cười hạnh phúc nhất!

Phần tiếp theo là của quyển sách!

Với thầy Harfan và cô Mus, họ chính là hình ảnh của những thầy cô giáo Việt Nam đã cống hiến cả đời hay thanh xuân của mình cho ý nghĩa và giấc mơ đến trường của hàng triệu những đứa trẻ trên đất nước này. Những buổi lễ khai trường hoành tráng với đủ những quan chức lãnh đạo đến đọc diễn văn đã diễn ra ở Việt Nam như thế nào, đã vô tình được tác giả miêu tả như thế trong quyển sách. Và - trùng hợp hơn thế nữa, những ngôi trường vách lá khắc khổ cùng những đứa trẻ nghèo xác xơ miền núi, vùng cao của Việt Nam đã dự lễ khai giảng không kèn trống, không lãnh đạo, không quần áo mới, không bàn ghế, không trường lớp như thế nào, cũng lại vô tình được tác giả khắc họa lên trong quyển sách như thế.

Rồi trong xuyên suốt quyển sách, là những giấc mơ của chúng ta khi chúng ta còn nhỏ và mơ về những vùng đất xa xôi đầy thực tế. Là những câu chuyện huyền hoặc phi thực tế nhưng luôn có lý, là mối tình đầu thơ ngây đầy nước mắt khi vội chia xa và không bao giờ gặp lại, là tình bạn vượt qua những khó khăn để động viên nhau đến trường và cũng tại trường học - nơi chúng ta được thỏa sức với những đam mê, ước mơ riêng của mình. Chúng ta sẽ nhìn thấy Mahar và Lintang như hai nữa bán cầu nghệ thuật và lý trí, sẽ nhìn thấy Harun với giấc mơ cả đời chỉ muốn được giống Trapani hay cô bạn Flo - thành viên thứ 11 của đội Chiến binh cầu vồng, sẵn sàng bỏ sự xa hoa, phú quý của trường PN để đến theo học tại ngôi trường làng khắc khổ này. Chúng ta có dám thực hiện ước mơ của mình như Flo!?

Tác giả Hirata đã khéo léo đưa vào quyển sách những lời văn dí dỏm khiến chúng ta phải bật cười nhưng cũng mang đầy thâm ý. Những đứa trẻ mơ ước chẳng phải học hành nhưng vẫn được lên lớp - một giấc mơ chính đáng của mọi đứa trẻ đó chứ! Chúng đã vượt qua giông bão, đối diện với tử thần để tìm gặp người pháp sư Tuk Payan Tula huyền thoại để xin chỉ dẫn thực hiện việc đó. Sự chân thành và thành tín chắc chắn sẽ được đáp lại và những đứa trẻ đã được trả công cho sự chân thành của mình - một câu trả lời cho giấc mơ: không phải học nhưng điểm vẫn cao và được lên lớp!

Và cuối cùng - có lẽ là buồn nhất của câu chuyện, tác giả đã phải thừa nhận sự thật thông qua hình ảnh nhân vật của mình - rằng sẽ có những đứa trẻ vĩnh viển chôn vùi giấc mơ và tài năng của mình trong nghèo khó. Đó là sự thật, đó là cuộc đời và du có bao nhiêu nước mắt, chúng ta cũng phải đối diện với chúng. Nhưng thay đổi là điều sẽ phải xảy ra và chỉ có những giấc mơ đủ lớn, đủ vững vàng sẽ khiến cho việc thay đổi đó được diễn ra. Khi những chiếc máy xúc quyền lực sẵn sàng làm sập đổ ngôi trường làng Muhammadiyal bất cứ lúc nào, Lintang vẫn ở đó và kiên trì thực hiện giấc mơ của mình. Cô Mus đã không ở lại vì không tin rằng những giấc mơ được đến trường của các chiến binh - hay chính xác là Lintang, là đủ lớn. Nhưng cô Mus đã quay trở về và mãi mãi là người giáo viên canh gác cho giấc mơ đến trường của những đứa trẻ nghèo khổ.

Khi viết những dòng này, tôi mới chợt hiểu vì sao Ikal - tác giả, đã gọi Lintang là nhân vật kiệt xuất nhất mà Ikal đã từng gặp trong suốt cả cuộc đời mình! Lintang là giấc mơ của những đứa trẻ miền biển nghèo và là một giấc mơ, giấc mơ vĩ đại của những đứa trẻ có quyền được đến trường!

Sài Gòn, ngày 02 tháng 12 năm 2019

Post a Comment

0 Comments