Giữa tháng 10 năm 2017, một trong những thương hiệu mang hình ảnh "Made in Việt Nam" rơi vào khủng hoảng hàng giả, hàng nhái, đó là thương hiệu KhaiSilk của doanh nhân Hoàng Khải - người mà trước đó là một trong những doanh nhân truyền tải rất nhiều nguồn cảm hứng kinh doanh từ nội lực quốc gia cho giới trẻ Việt. Cuộc khủng hoảng đó bắt đầu khi một doanh nghiệp tại Hà Nội tố cửa hàng tại phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã bán cho họ các sản phẩm tơ lụa Made in China, trong khi cái họ cần là những sản phẩm tơ lụa Made in Việt Nam để làm quà cho các đối tác... nước ngoài.
Báo chí vào cuộc, Bộ Công thương vào cuộc và dù chủ cửa hàng Hàng Gai đã chống chế nhưng rất nhanh sau đó, doanh nhân Hoàng Khải vô tình hay cố ý, đã tự thừa nhận trên truyền thông rằng mình nhập lụa Trung Quốc về và gắn nhãn hiệu Made in Việt Nam thay thế vào. Câu chuyện càng đi xa hơn nữa, khi giữa tháng 12/2017, hồ sơ KhaiSilk được chuyển sang cơ quan công an thụ lý vì nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm hình sự. Sự việc sẽ tạm dừng ở đây để cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết, báo chí sẽ chờ đợi các thông tin mới nhất để công bố ra công chúng và đồng thời, một tượng đài tự tôn dân tộc đã chính thức sụp đổ hoàn toàn.
Trên mạng xã hội Facebook, hàng loạt những bài viết của cư dân mạng về chủ để Khaisilk và dĩ nhiên tất cả đều thể hiện sự thất vọng quanhững bài viết của mình. Có những doanh nhân làm việc cùng các đối tác nước ngoài, đã tặng những sản phẩm lụa Khaisilk cho đối tác nước ngoài như một cách để thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, nay trở nên hụt hẫng, tức giận vì sự lừa dối trắng trợn dựa trên tinh thần dân tộc của doanh nhân Hoàng Khải. Nhiều người còn đặt ra nghi vấn rằng: còn có bao nhiêu doanh nghiệp "Khaisilk" nữa trên thị trường Việt Nam?
Trước đó, xa hơn một chút, vào cuối tháng 3 năm 2017, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, tung ra đoạn video clip nhảy trên nền nhạc bài hát "Bống bống bang bang" của dàn tiếp viên, phi công, nhân viên Vietnam Airlines (VA). Có thể đây là một cách để PR thương hiệu, nhưng hiệu ứng nó mang lại quả thực không ít. Đoạn clip nhanh chóng nhận được sự quan tâm trong một thời gian ngắn của mọi người nhờ vào lời nhạc hấp dẫn, điệu nhảy vui tươi và đặc biệt là thương hiệu và nội dung mà nó truyền tải. Đoạn clip hay, thu hút, hấp dẫn, ý nghĩa thì chắc chắn sẽ có một hiệu ứng nhất định để kéo khách hàng về phía VA torng cuộc cạnh tranh hàng không với các doanh nghiệp vận tải hàng không khác.
Trong đoạn clip nhạc của VA, dàn diễn viên hầu như đều có đủ mọi thành phần của doanh nghiệp với đủ các loại tuổi, và không thiếu những gương mặt thanh niên tuổi mới ngoài 20. Còn trong ca từ, một đoạn lời đã viết rằng: "Ai ơi chớ quên, Vietnam Airlines là niềm tự hào" và "Bay lên bay lên bay lên cao lấy thanh xuân này góp xây vào đời". Những ca từ rất ý nghĩa, rất hay và thật sự chạm đến trái tim của người nghe.
Vì không chỉ Vietnam Airlines là niềm tự hào, mà bất kỳ thương hiệu nào mang tầm vóc quốc gia đều là niềm tự hào, Khaisilk ở phần trên và Vinashin, Vinalines cũng từng là như thế, trong đó Khaisilk là doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp quốc gia ở một phương diện kinh tế nào đó, tập trung trong mình tiềm lực, sức mạnh kinh tế quốc gia trong một lĩnh vực để thay mặt Tổ quốc 'đem chuông đi đánh xứ người" trên mặt trận kinh tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Hàn Quốc đã xây dựng mô hình doanh nghiệp quốc gia - chaebol (tài phiệt), này nhằm tận dụng nguồn lực quốc gia trong cuộc chơi với quốc tế và mang thương hiệu của quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, khi những câu chuyện về Vinashin, Vinalines đổ vỡ, nhiều người đã thất vọng và đến năm 2017, Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Việt Nam (PVN) đang đi vào vết xe đổ đó.
Vậy nên, dù xuất hiện từ đầu năm, nhưng cách gắn cụm từ "niềm tự hào" sau Vietnam Airline đã mang đến nhiều suy nghĩ và trăn trở hơn. Người dân sẽ sẵn sàng tự hào và tự giác thực hiện niềm tự hào đó nếu những doanh nghiệp quốc gia như Vietnam Airline, PVN, Agribank... thực hiện đúng và đủ vai trò, trách nhiệm đại diện cho quốc gia của mình. Tham nhũng trong các doanh nghiệp quốc gia được đẩy lùi, sự phục vụ bằng niềm tự hào dân tộc của từng nhân viên và mức lương được chi trả xứng đáng, những điều đó sẽ góp phần tạo nên một thương hiệu quốc gia khiến người dân tin tưởng.
Cuối cùng, sự liên quan giữa Khaisilk, Vietnam Airlines và những doanh nghiệp quốc gia trong bài viết này nằm ở "tinh thần dân tộc". Người Việt Nam trải qua dòng lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, đã phải tự mang lấy cho mình tinh thần dân tộc lớn biết nhường nào để cố gắng và giữ lấy cho bằng được mảnh đất hình chữ S với hai quần đảo Vạn lý Hoàng Sa - Trường Sa hôm nay. Bởi thế, nếu doanh nghiệp nào tận dụng - chứ không phải lợi dụng, niềm tự hào quốc gia đó để làm giàu cho mình - nhưng đóng góp xứng đáng cho xã hội, thì doanh nghiệp đó sẽ thành công.
Khaisilk sẽ nhanh chóng lụi tàn khi đi ngược lại với lợi ích dân tộc, và những doanh nghiệp, cá nhân nào đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi dụng dân tộc để trục lợi cho mình và làm nghèo đất nước này cũng sẽ sớm lụi tàn và phải trả giá cay đắng cho những việc mình đã làm. Đó là lẽ tất nhiên và là quy luật tất yếu của lịch sử.
0 Comments