Cô Ba Sài Gòn - bộ phim điện ảnh đình đám gắn với thương hiệu Ngô Thanh Vân ra rạp vào 3 tháng cuối năm 2017 và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phim nào cũng vậy, khen chê đều có hết nhưng đến thời điểm này, hơn 60 tỷ đồng doanh thu đã quay trở lại với Ngô Thanh Vân và đoàn phim sau khi phim công chiếu toàn quốc. Bộ phim để lại một hình ảnh trẻ trung, xinh đẹp của chiếc áo dài Việt Nam bất chấp thời gian, năm tháng. Bộ phim còn mang đến một ý tưởng nội dung hấp dẫn khi có yếu tố đi ngược thời gian của nhân vật chính Như Ý - từ Sài Gòn thập niên 1960 "bay xuyên không" để đến với Sài Gòn năm 2017, một ý tưởng hay và cũng không phải mới trên màn ảnh, nhưng cũng không có gì phải chê bai.
Tuy nhiên, có ai khi xem phim đã nhìn về một khía cạnh khác mà có lẽ bộ phim không cố tình truyền tải đến khán giả - chắc chắn là vậy, đó là Sài Gòn thập niên 1960 trong cuộc chiến giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía Bắc và Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam. Vấn đề được đưa ra là: Sài Gòn những năm tháng trước ngày 30/4/1975 đẹp đến thế ư, hấp dẫn đến thế ư và... xa hoa đến thế ư? Nó - Sài Gòn trong "Cô Ba Sài Gòn" quá khác biệt so với những gì mà những người trong thời đại ấy từng được nghe, từng được tuyên truyền, vì sao lại như thế?
À, hóa ra, cuối cùng khi "Cô Ba Sài Gòn" ra rạp, người ta cũng đã thừa nhận một Sài Gòn hoa lệ đã từng tồn tại trước Mùa Xuân Thống Nhất năm 1975. Sài Gòn ấy, Sài Gòn hoa lệ ấy đã từng bị đồn thổi là một hang ổ của trộm cướp, của đàn điếm và hơn nữa là đau khổ, địa ngục trần gian của thời kỳ đất nước bị chia đôi. Để rồi, từ Hà Nội ngàn năm văn hiến, những tiếng hiệu triệu lớp lớp thanh niên đất Việt từ cả hai miền Nam - Bắc đứng lên tiến về Sài Gòn. Lời hiệu triệu đó là đúng thôi, khi đất nước bị chia đôi thì Thống Nhất bao giờ cũng là Mục tiêu duy nhất. Nhưng với những con người đã ra đi vì niềm tin giải phóng đồng bào đang sống trong "địa ngục trần gian miền Nam", đang sống trong thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu của những thanh niên thời ấy, thì khi Sài Gồn phồn hoa hiện ra trước mắt họ, đã không thiếu những người tự đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã từng nghe về điều gì và trước mắt chúng ta là gì đây, đâu mới là sự thật?
Chiến tranh không đơn gian 1 cộng 1 bằng 2, kết quá cuối cùng có thể là 0 hoặc hàng ngàn vì không có gì có thể diễn tả hết bản chất và sự thật của một cuộc chiến tranh đã diễn ra. Với cuộc chiến đã kết thúc năm 1975 - một thập niên sau thập niên được diễn tả trong "Cô Ba Sài Gòn", thì điều cuối cùng mà cả dân tộc này, nhân dân này, đất nước này cùng hướng đến đó là Ngày Quốc Gia Thống Nhất - đó chính là bản chất và sự thật mà cuộc chiến tranh này đã mang lấy.
"Cô Ba Sài Gòn" ra rạp, như một bộ phim điện ảnh thông thường và nhanh chóng đạt lấy những cột mốc doanh thu đáng mong đợi, đó là điều các nhà làm phim mong muốn. Còn câu chuyện về một Sài Gòn hoa lệ đã vô tình được quay lại chính thức, công khai trên phim ảnh ấy, có lẽ không nằm trong ý muốn của nhà sản xuất. Nhưng với những ai đã yêu Sài Gòn và từng mong mỏi tìm kiếm lại Sài Gòn hoa lệ, phồn vinh năm xưa hẳn đã hạnh phúc bao nhiêu khi đến một ngày những lời tuyên truyền - vì mục đích của thời đại lúc ấy, cuối cùng đã được chứng minh là sai. Và hạnh phúc này nhỏ thôi, như tiếng một chú chim lâu ngày cuối cùng cũng được cất tiếng hót kiêu sa giữa một rừng già bạt ngàn, bất tận... Có người nghe, có người không. Nhưng tiếng hót đã đã nhắc nhở rằng: chân lý và sự thật cuối cùng cũng được trả về với vị trí vốn dĩ là của nó!
Xem "Cô Ba Sài Gòn" đã cùng dân lên trong lòng niềm tự hào với chiếc áo dài của dân tộc và thoáng nhẹ chút vui khi được nhìn lại một Sài Gòn đã từng phồn hoa như thế!
Xin chào, Sài Gòn của ngày xưa, chào mừng đã trở lại!
0 Comments