Con người, ai cũng có những ích kỷ rất riêng của bản thân mình. Dù cho một người được xem là nhu nhược, yếu đuối hay dễ dãi đến mức nào đi chẳng nữa, thì thẳm sâu trong lòng họ, họ vẫn cho cách họ làm là đúng - đó cũng chính là cái tôi. Cái tôi là cái ích kỷ. Cái tôi cũng là bản năng. Và cái tôi của mỗi người thì cũng lớn, cũng quan trọng như chính họ vậy. Không vừa ý nhau, cứ cho ý mình là đúng nhất, là trên hết, là người khác phải theo chính là lúc người ta thể hiện cái tôi của mình cụ thể ra ngoài nhất. Cái tôi nó dù lớn như vậy, nhưng khó là làm sao để con người điều tiết được nó, giữ cho nó luôn luôn nằm trong vòng an toàn, không ảnh hưởng đến người xung quanh - nhất là những người có ý nghĩa, những người thân thương của mình, đó mới là điều quan trọng.

Luôn cho mình là nhất, là đúng, là tất cả chính là điều dễ làm cho người ta xa nhau và hận nhau nhiều nhất. Nếu mỗi người biết tự nghĩ cho người khác - người ta hay bảo làm vậy cuộc sống sẽ dễ dàng hơn... [bố cái bọn lắm điều]. Chẳng dễ dàng hơn chút nào. Vì nghĩ cho bản thân mình đã khổ rồi, giờ còn phải nghĩ thêm cho cả trăm, ngàn người khác thì chỉ có nặng đầu hơn chứ làm gì có dễ dàng hơn. Bơi vậy, suy cho cùng, cái tôi cũng là chính bản thân mình, có biết mình là ai, biết mình muốn gì, biết mình phải làm gì thì sẽ là cách tốt nhất để mang lại cho bản thân mình một cuộc sống giản đơn, bình an hơn hết.

Và quan trọng, cái tôi còn được thể hiện qua cả lời nói, mà lời nói thì một khi đã nói ra, đã vào tai người đối diện thì chẳng bao giờ có thể rút lại được. Nên phải biết tiết chế, kiềm chế và lựa lời nói sao cho đừng để cái tôi nó lấn át tất cả.