YÊU SỬ VIỆT
Nghi thức kết hôn của đạo Công giáo là gì và vì sao lại có nghi thức này?
Trước hết, cần phải biết nghi thức kết hôn của đạo Công giáo và ý nghĩa của nghi thức này thì cả hai người bước vào đời sống hôn nhân mới biết mình đang làm gì. Thực vậy, mặc dù có thể nhiều người mặc định lấy người Công giáo là phải theo đạo của họ nhưng người ta vẫn còn biết một quy định khác, là người Công giáo thì không được phép ly hôn. Yếu tố không được phép ly hôn đáng ra phải là điều quan trọng nhất, cần lo lắng nhất, cần cân nhắc nhất khi một người nào đó chọn người Công giáo làm bạn đời của mình. Vì yếu tố "lấy người có Đạo thì phải theo Đạo" suy cho cùng chỉ là khởi đầu của đời sống hôn nhân, thậm chí nếu ai khôn khéo thì cũng chỉ xem đó là nghi thức, vì thương người bạn đời của mình mà làm tròn nghi thức đó cho xong, cho đôi bên đều vui cả. Đó, hai yếu tố đó nó là thế, nhưng yếu tố quan trọng nhất - cấm người Công giáo ly hôn thì lại không được xem xét, hỏi cho kỹ.
Với đời người, kết hôn là một chuyện trọng đại và tất cả đều muốn đời mình chỉ một lần kết hôn và hạnh phúc trọn đời với người mình kết hôn. Người Công giáo cũng thế, nhưng ở khía cạnh nào đó, luật lệ về hôn nhân dành cho người Công giáo phần nào đó còn khắt khe, khó khăn hơn với những người không có đạo Công giáo. Với người đời, có thể vì duyên số, vì lý do nào đó, người ta có thể tổ chức tiệc cưới lần thứ hai và hơn nữa, nhưng với người Công giáo, cuộc đời họ chỉ một lần duy nhất bước vào Thánh đường, Nhà thờ để làm lễ cưới một cách trang trọng nhất với sự chứng kiến của Linh mục và đông đảo những người giáo dân theo đạo Công giáo. Chỉ một lần duy nhất - vì nếu người bạn đời kia không qua đời, thì dù có ly hôn về mặt luật pháp, người Công giáo cũng không được phép bước vào Thánh đường long trọng như thế một lần nữa.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nói:
Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.
Sự kết hợp của Thiên Chúa trong hôn nhân đã khởi sự và bắt đầu bằng chính sự tự do của hai người Nam và Nữ. Họ cùng trải qua thời gian 6 tháng để học về Giáo lý hôn nhân, với những người không Công giáo còn phải trải qua thêm ngần ấy thời gian để học hiểu về Đạo. Sau thời gian học hỏi đó, họ tự nguyện chuẩn bị lễ cưới và cùng nhau bước những bước chân tự do vào Giáo đường, trước sự chứng kiến của Linh mục - người đại diện uy quyền của đạo Công giáo và những người giáo dân, bà con thân thiết của người có Đạo. Khi đó, họ cầm tay nhau và tự họ nói lên những lời nói ý nghĩa nhất, thánh thiêng nhất và tự nguyên nhất.
Tôi, là T. xin nhận anh/em T. làm chồng/vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh/em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng anh/em mỗi người suốt cuộc đời tôi.
Và sau đó, trong đức tin của Giáo hội Công giáo, nhất là với người có đạo, trong niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và tối cao, họ sẽ nói:
Em/anh T. xin em/anh hãy nhận lấy chiếc nhẫn này để làm bằng chứng cho tình yêu và lòng chung thủy của anh/em. NHÂN DANH CHA, VÀ CON VÀ THÁNH THẦN. Amen
Đó, là như thế và "cả đời tôi" nghĩa là cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Có ai muốn khi kết hôn thì nghĩ 5, 10 năm nữa mình sẽ ly hôn và lấy một người khác hay không? Chắc chắn là không. Nhưng có ai chắc chắn cả cuộc đời vợ chồng sống cùng nhau sẽ không có những lúc muốn kết thúc cuộc hôn nhân của mình không? Chắc chắn cũng là không. Nhưng có ai nói rằng những lời mình đã hứa một cách long trọng trước mặt Giáo hội Công giáo và những người giáo dân, gia đình cùng đức tin Công giáo với mình là những lời nói dôi và không thật lòng không? Và chắc chắn là không. Do đó, Giáo hội phải bảo vệ và bảo vệ đến cùng Lời Hứa của con cái mình. Nếu họ có quên, Giáo hội sẽ nhắc lại cho họ nhớ và họ phải sống không chỉ với yêu thương mà còn với trách nhiệm và niềm tin vào Thiên Chúa sẽ mang đến cho họ những điều tốt lành nhất. Nếu bảo đạo Công giáo khó khăn thì đây mới chính là điều khó khăn nhất, quyết đoán nhất và kiên quyết tước quyền ly hôn của những người đã kết hôn trước sự chứng kiến chính thức của Giáo hội Công giáo qua người đại diện là vị Linh mục chủ sự.
Còn việc kết hôn phải theo đạo của người Công giáo?
Câu hỏi "Kết hôn với người đạo Công giáo thì có phải theo đạo không?" thì câu trả lời là "Không bắt buộc.
Nếu giữa hai người quyết định người kia sẽ không theo đạo, Giáo hội vẫn cho phép hai người được lấy nhau, người không Công giáo vẫn có quyền lấy người ngoại đạo. Giáo hội sẽ thực hiện một nghi thức, thông thường được gọi là "Phép chuẩn" hay "Phép giao" và cũng được diễn ra trong nhà thờ hoặc ngoài nhà thờ. Tuy nhiên, đối với Phép chuẩn, sẽ không có Thánh lễ, không có sự chứng kiến long trọng và trọng thể của người người họ hàng, bà con, lối xóm của người Công giáo. Khi đó, vẫn trước mặt vị Linh mục trong một nghi thức ngắn gọn, người Công giáo cũng tuyên xưng niềm tin của mình về việc kết hôn (trong đạo Công giáo là chịu Bí tích Hôn phối - 1 trong 7 Bí tích quan trọng nhất). Khi đó, vẫn có mối dây ràng buộc với người Công giáo và trách nhiệm của họ phải nặng nề hơn, vì phải là một chứng nhân của Thiên Chúa, phải sống những điều công chính mà Giáo hội dạy để hướng dẫn người bạn đời của mình theo đạo một cách tự nguyện và tự do.
Có lẽ đạo Công giáo là một trong số ít những tôn giáo thể hiện rõ ràng việc muốn người có đạo nên lấy người cùng có đức tin. Dĩ nhiên, như đoạn trên đã nói, điều này không bắt buộc nhưng Giáo hội có lý do để muốn điều này. Lý do đó, phải bắt nguồn từ ý định tạo lập giao ước hôn nhân của Thiên Chúa đối với loài người và trong sự tự do mà Ngài ban cho, con người tự nguyện tìm hiểu nhau, đến với nhau và kết hôn, nguyện sống một đời cùng nhau. Đạo công giáo dành cho việc kết hôn một ý nghĩa quan trọng thông qua tên gọi Bí tích Hôn phối - một Bí tích do Chúa Giesu lập nên dành cho tình yêu của những người thương nhau. Ý nghĩa cao cả của hôn nhân còn được pháp luật, đặc biệt là các nước Á Đông đề cao và bảo vệ. Do đó, việc Giáo hội quyết đoán bảo vệ việc hôn nhân và không cho phép ly hôn là quyết định chính xác nhất, đầy đủ nhất và hoàn mỹ nhất để bảo vệ ý muốn của Thiên Chúa và hạnh phúc trên sự tự do của con người.
Vì vậy, với người bạn không cùng tôn giáo, tôi muốn chia sẻ rằng đạo Công giáo hướng đến những điều sâu xa, tận căn nhất của giáo lý, đức tin Giáo hội Công giáo nên muốn con cái mình kết hôn với người theo đạo Công giáo nhưng không bắt buộc. Một khi đã kết hôn cùng nhau, xin bạn cũng hãy nhớ, bạn có thể theo hoặc không theo, có thể chỉ theo vì nghi thức, vì muốn người bạn đời mình vui lòng... nhưng với người Công giáo, đó là lần duy nhất cho cuộc đời họ. Vẫn có những người Công giáo sống xấu xa, không tốt, ly hôn, làm gương xấu cho bạn hay xã hội, nhưng đó không phải điều Giáo hội Công giáo hướng đến hay bảo vệ. Và bằng chứng rõ ràng nhất, Giáo hội Công giáo không chấp nhận việc người có đạo nhưng ly hôn. Qua đó, bạn có thể hiểu ý nghĩa, quyết tâm mà Giáo hội bảo vệ tình yêu hôn nhân không chỉ cho con cái mình mà còn cho chính bạn và xã hội của chúng ta.
Với riêng người Công giáo, đặc biệt với người nữ, việc bước vào Thánh đường với người bạn đời, long trọng nói lên niềm xác tín vào Thiên Chúa và người bạn đời mà mình tin rằng đây là người Chúa ban cho đời mình, đó là một niềm hạnh phúc. Dĩ nhiên, cuộc sống con người cũng có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui, có những người 20, 30 năm sống cùng nhau là vợ chồng nhưng rồi cũng ký vào tờ giấy ly hôn, chia tài sản và chẳng bao giờ muốn gặp lại nhau. Đó là bản tính con người, là sự kiêu ngạo của tội nguyên tổ muốn chối bỏ những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Là người Công giáo, chúng ta cũng không tránh khỏi những tội lỗi nhưng chúng ta đã sống trong đức tin và cảm thấu hồng ân Thiên Chúa qua đời sống chúng ta. Do đó, dù lựa chọn thuyết phục người Bạn của mình theo Đạo hay chọn Phép giao, chúng ta - những Kito hữu, vẫn phải hạnh phúc và tạ ơn Chúa về người bạn đời mà Chúa đã cho chúng ta tự do lựa chọn. Hơn hết, phải luôn nhớ, chỉ có đời sống chứng nhân của chúng ta cho Lời Chúa mới là điều duy nhất có thể để dẫn dắt đức tin cho người bạn đời của mình.
Cuối cùng, trong Đức tin vào một Thiên Chúa toàn năng và duy nhất, hãy tin tưởng và cầu nguyện cùng người! Mọi sự đều tốt đẹp trong Ý Muốn Quan Phòng của Thiên Chúa.
0 Comments