Header Ads Widget

Mùa Chay và ý nghĩa của Mùa Chay trong đạo Công giáo

Mùa Chay và ý nghĩa của Mùa Chay trong đạo Công giáo

Một Mùa Chay mới lại bắt đầu, một hành trình cũ nay lại tiếp tục - hành trình của sự tìm lại và nhìn lại nơi riêng mỗi con người, nhìn lại chính con người bên trong mình để biết mình cần phải làm gì với những thiếu sót của mình. Mùa Chay - với người Công giáo, là mùa của Sám hối và Hy vọng. Màu tím trong nghi thức Công giáo dành cho Lễ tang, cho người quá cố trong ngày giỗ của họ nhưng màu tím và cả Mùa Chay nữa, không phải màu của Buồn hay Đau mà là màu của sự Hy Vọng. Màu xanh lá là màu của Hy vọng, là mùa của thường niên nhưng màu tím và Mùa Chay, lại là những Hy Vọng rõ ràng nhất, cụ thể nhất mà đạo Công giáo muốn nhắc nhở cách đặc biệt đến với mỗi người Ki-tô hữu.
Những bài thánh ca trong Mùa Chay luôn mang những âm hưởng và giai điệu du dương, nhẹ nhàng, trầm lắng và ẩn sâu dưới lớp tro bụi lắng đọng là một niềm Hy Vọng mãnh liệt, âm ỉ và sẽ bừng cháy trong ngày Phục sinh. Như lời bài hát "Kinh Chay" da diết được hát lên gần như trong tất cả mọi nhà thờ Công giáo Việt Nam trong mỗi Mùa Chay hằng năm, lời ca phi khúc một rằng: "Con xin dâng muôn lời kinh thắm lệ chan hòa. Con kêu van Chúa nhân từ ghé mắt xót thương. Mùa chay Thánh Chúa thương tha thứ tội nhơ, lắng nghe con dâng lời khấn nguyện: Chúa ban ơn trong mùa thánh này." - cũng chính là nỗi lòng mà tất cả chúng ta nên tự lắng đọng mình để nghe và cảm thấu - dù là người Công giáo hay không phải người Công giáo...!

Những lời kinh, lời ca, lời nguyện trong Mùa Chay và cả những bài giảng của linh mục trong các Thánh Lễ, đều hướng dẫn mọi người hãy nhìn lại chính mình, nhìn lại những lỗi lầm, những yếu điếu - hãy nhìn thấy những mỏng manh, những chóng qua, những dễ được dễ mất của đời người. Nếu bạn là người ngoại đạo, liệu bạn có muốn hay biết rằng đó là điều cũng cần thiết cho chính bạn!? Vì giữa cuộc sống hiện đại đầy hối hả, giữa những lo toan cơm áo gạo tiền với muôn vàn, muôn mặt những lý do, liệu chúng ta có giữ được chính mình, giữ được những điều quan trọng nhất của mình, của gia đình mình... hay đôi khi, chúng ta đánh đổi tất cả để đổi lấy cơm - áo - gạo - tiền!? Cuộc sống luôn có lý do để đưa chúng ta vào những dòng sông bươn chải của cuộc đời, nhưng Đức tin cho chúng ta Hy Vọng để nhìn thấy ánh sáng mà mình cần dõi theo!
Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kit-ô, và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị các tín hữu cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày. Mùa Chay là thời kỳ sám hối, cầu nguyện: Hội Thánh kêu gọi mọi người quay về với Chúa, thanh tẩy tâm hồn, từ bỏ các tật xấu, hy sinh hãm mình và làm việc bác ái. Mùa Chay cũng là thời gian huấn luyện đức tin của các Ki-tô hữu cho thêm vững mạnh, và sâu xa hơn khi nhớ lại Bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận. Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị cho anh chị em dự tòng đón nhận sự sống thiêng liêng nhờ việc sống tinh thần của Bí tích Rửa Tội.

Trong 40 ngày trước Lễ Phục Sinh, là 40 ngày mỗi chúng ta cần liên lỉ nhắc nhở chính mình - nếu được và khó quá, thì ít nhất trong 40 ngày liên tục này - hãy cố gắng để chiến thắng những lỗi lầm, những tật xấu, những thiếu sót của chính mình và sống một cuộc đời đáng sống hơn! Trong từng bước chân mỗi ngày cố gắng như thế, cố gắng hoàn thiện chính mình và trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng ta sẽ nhìn thấy được những nỗ lực của mình là xứng đáng!

Post a Comment

0 Comments