Tổng đốc Hoàng Diệu (tên thật: Hoàng Kim Tích) là một quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882.

Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng. Năm 25 tuổi, Ông đỗ Phó bảng, vua Tự Đức sai làm Tri huyện Tuy Phước, sau là Tuy Viễn. Năm 1868, Ông lần đầu ra Bắc nhậm chức. Năm 1873 về Huế làm Tham tri tại các Bộ. Cùng năm 1873, Pháp chiếm xong Nam bộ, chuẩn bị tiến quân ra Bắc.

Từ 1879 đến 1882, Ông làm Tổng đốc Hà Ninh theo lệnh vua Tự Đức nhằm chuẩn bị chống Pháp. Nhưng về sau, Ông xin viện binh mấy lần, Vua không cho, còn bắt giải giới, đầu hàng Pháp.

Thời gian làm Tổng đốc Hà Ninh, Ông hết mực chăm lo đời sống dân chúng, bài trừ nạn cướp bóc, nhũng nhiễu nhân dân. Ở Ô Quan Chưởng ngày nay còn một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ (Thân cấm khu tệ), niêm yết năm 1881 của Ông.

Năm 1882, Pháp tiến quân áp sát thành Hà Nội, Hoàng Diệu ra lệnh giới nghiêm, bố phòng sẵn sàng đánh lui quân xâm lược. Nhưng Vua Tự Đức nghe lời phe chủ bại, hạ lệnh Ông phải đầu hàng. Quyết tâm giữ thành cùng nhân dân Bắc hà, Ông và các tướng sĩ chỉ huy đã uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với nhân dân.

Rạng ngày 25 tháng 4 năm 1882, Henri Rivière cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thư, yêu cầu Hoàng Diệu đầu hàng. Hoàng thân Tôn Thất Bá chạy trốn vào làng Mọc (Nhân Mục), theo Pháp và thông báo tình hình trong thành Hà Nội cho họ.

Tuy vậy, quân Pháp vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân dân Hà thành dưới sự chỉ huy của Hoàng Diệu. Quân Pháp bị thiệt hại nặng và phải rút ra ngoài tầm súng để củng cố lực lượng.

Nhưng trong lúc chiến sự diễn ra khốc liệt thì kho thuốc súng của Hà Nội nổ tung dẫn tới đám cháy lớn trong thành làm cho lòng quân hoang mang. Quân Pháp thừa cơ phá được cổng Tây thành Hà Nội, ùa vào thành.

Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn tiếp tục bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu. Cuối cùng, Ông ra lệnh cho tướng sỹ giải tán để tránh thương vong. Ông để lại tờ di biểu rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi. Tờ di biểu, ông cắn ngón tay lấy máu viết tạ tội Vua Tự Đức rằng:

“Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”
==//==
Dòng máu trong người Ông là dòng máu Việt. Chí khí trong người Ông là chí khí Việt. Hơn thế nữa, Ông một mình ra Bắc, quyết giữ Bắc hà không để chung số phận như Nam hà. Nhưng tiếc thay, lúc Ông có lòng dân, triều đình lại chẳng nghe theo mà bọn Việt gian thì lắm đầu. Nếu kho thuốc súng không nổ, chẳng lẽ người Pháp hạ được thành ngay lúc đó???

Nhưng gương trung kiên, tiết liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu như ngọn lửa bất khuất của người Việt Nam không bao giờ tắt. Dù có thể tiền nhân đã không nhìn thấy “yếu tố thời đại” để tìm ra hướng đi hiệu quả hơn, nhưng với Ông còn con đường nào ngoài con đường nối chí Cha Ông giữ lấy từng tấc đất giang sơn không để rơi vào tay giặc bằng bất cứ giá nào, kể cả hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Ngày Ông hóa thân, vợ Ông đang giẫy cỏ ngoài đồng nghe tin mà ngất lịm. Gia cảnh nghèo khó của vị quan Tổng đốc kiên trung đủ nói lên tấm lòng của người nước Nam với nước Nam trong cơn binh lửa. Hết lòng vì nước vì dân thì hình ảnh Ông còn sống mãi và phù hộ cho đất nước vững bền đến nghìn năm sau.

Hậu thế noi gương Ông, không phải chỉ ở tấm gương kiên trung giữ thành, nhưng còn là chí khí của người nước Nam ngàn năm nay luôn quyết giữ lấy từng thước núi, tấc đất, tấc biển của Cha Ông cho bền vừng đến nghìn năm mà truyền lại cho con cháu.

Hội những người YÊU SỬ VIỆT.