Header Ads Widget

Vì sao chi phí đào tạo đại học quá cao?

vì sao thu học phí đại học quá cao
Báo điện tử Zingnews.vn vừa đăng bài viết về việc trường ĐH Y dược TP. HCM tăng học phí dành cho sinh viên tuyển sinh trong năm 2020 sắp tới. Học phí mức cao nhất có ngành lên đến 70.000.000 đồng chưa kể những khoản đầu tư, chi phí khác. Trong bài viết, Zing dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Y dược TP. HCM, về việc không còn nguồn ngân sách từ Nhà nước bù lỗ, đưa xuống như trước đây nên bắt buộc nhà trường phải thực hiện nâng học phí. Câu chuyện có vẻ đơn giản, và thực chất học phí là một trong những nguồn thu chí của một trường đại học nhưng môi trường giáo dục không đơn thuần chỉ có lợi nhuận, thu và chi mà nơi đây còn là nơi đào tạo một thế hệ tương lai cho sự phát triển của đất nước. Do đó, việc Nhà nước không rót ngân sách để "nuôi" hay bù lỗ kinh phí cho các trường là một việc làm đúng đắn và tất yếu.


Vấn đề là, tại sao Nhà nước không bao cấp giáo dục, hay gọi là miễn phí toàn bộ chi phí cho hệ thống giáo dục??? Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, nếu Nhà nước có đủ tiền. Nhưng ở chiều ngược lại, những học sinh, sinh viên - người đi học, họ nhận được gì trong một nền giáo dục bao cấp hay bù lỗ của Nhà nước. Cần phải nhìn nhận rằng, ở tầm vĩ mô, đối tượng sinh viên, học sinh nói riêng và đối tượng thanh niên nói chung rất cần sự quan tâm, hỗ trợ thực tế của Nhà nước và hỗ trợ học phí là một trong những chính sách thực tế như thế. Tuy nhiên, khi mà nền giáo dục cần có những định hướng rõ ràng hơn để giải quyết một trong những vấn đề lớn của xã hội hiện nay: thừa thầy thiếu thợ và thiếu lao động chuyên môn cao, sử dụng ngân sách theo cách khác cũng là một trong những giải pháp hợp lý.
Và đừng quên, việc hệ thống giáo dục Việt Nam đã xác định đào tạo theo tín chỉ trở thành hình thức đào tạo chính thức, thì vấn đề ý thức và sự tự giác, trách nhiệm của người học lại càng cao hơn. Hình thức đào tạo tín chỉ, nói đơn giản là việc 1 giờ học trên lớp sẽ cần phải có 3 giờ tự học ở nhà của sinh viên. Lối giảng dạy từ chương, một chiều từ giảng viên truyền đạt thụ động tới người học đã quá lỗi thời - và dù vẫn tạo ra những tài năng thật sự nhưng đó không phải mẫu số chung của nền giáo dục hay một thế hệ. Giáo dục là hướng đến thế hệ chứ không phải những cá nhân nổi bật, kiệt xuất mà bỏ qua những người học bình thường khác. Bill Gates, Mark Zuckerberg bỏ học Havard - giấc mơ của bao người, để xây dựng đế chế của riêng họ vì họ là đại diện cho những người có khả năng riêng đặc biệt - và thế giới không phải ai cũng là Bill hay Mark.


Trở lại với nền giáo dục Việt Nam. Đào tạo tín chỉ giúp người học chủ động hơn, trách nhiệm hơn và tập trung hơn cho việc học vốn là con đường đi vào tương lai họ đã chọn cho riêng mình. Vì nếu không muốn đi con đường học vấn lý thuyết, họ có thể đi con đường học nghề hoặc bất cứ con đường lương thiện phù hợp nào khác. Nhưng khi bước vào môi trường đại học, họ cần phải "trả giá" cho nỗ lực của mình. Trong môi trường trường học, một hệ thống chỉn chu đã được cài đặt sẵn và những giảng viên chính là những người thầy với kinh nghiệm và khả năng đã được thừa nhận, sẽ truyền đạt kiến thức cho người học. Những kiến thức được truyền đạt từ giảng viên, vốn dĩ phải mất bao nhiêu năm trời để họ có được và những người học chỉ mất 4 - 6 năm để được tiếp nhận những kiến thức đó.
Cơ chế thị trường sẽ tự nó đào thải những điều không phù hợp với quy luật của nó. Mức học phí cao mà người học phải đóng dùng để vận hành trường đại học một cách có hiệu quả và cung cấp một dịch vụ giáo dục chất lượng. Người học bắt buộc phải "xót" số tiền học của mình mà nỗ lực, cố gắng tập trung cho việc học bằng mọi giá và khai thác tối đa những gì mình xứng đáng được nhận lại từ nhà trường. Khi bước vào quy luật của cơ chế thị trường trong nền giáo dục, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia vào cơ chế này sẽ bắt buộc phải được xác định một cách chính xác và rõ ràng. Người học có nghĩa vụ hoàn thành học phí, nhưng có nghĩa vụ hoàn thành chương trình học hay không? Đi kèm theo nghĩa vụ, người học có những quyền gì mà bắt buộc nhà trường phải đáp ứng? Với giảng viên và nhân viên của nhà trường cũng cần đặt câu hỏi như thế.
Chung quy lại, mọi vấn đề đều mang tính hai mặt, và việc Nhà nước bù lỗ kinh phí đào tạo của các trường cũng như thế. Cần xác định rõ ràng và dứt khoát mức độ can thiệp của Nhà nước vào nền giáo dục. Thiết nghĩ, nếu Nhà nước đặt mục tiêu hướng đến nền giao dục miễn phí và cưỡng bách cho lứa tuổi học sinh trong hệ thống phổ thông 12 lớp hiện nay là tốt nhất và phù hợp nhất. Bước vào ngưỡng cửa đại học, sinh viên có một chân trời mới nhất quyết phải đứng trên đôi chân của mình và Nhà nước không nên hỗ trợ một chân bằng học phí như trước đây. Cắt hẳn nguồn ngân sách bù lỗ cho hệ thống đại học, Nhà nước sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn để tiến đến nền giáo dục phổ thông 12 lớp hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, cơ chế thị trường tự nó sẽ vận hành nhu cầu của thị trường, dẫn đến nhu cầu, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sẽ đáp ứng được thị trường. Đó là hướng đi đúng đắn cho nền giáo dục Việt Nam!

Post a Comment

0 Comments