Từ ngày xuất bản, Thầy tặng tôi quyển sách của Thầy đơn giản vì từ học trò, tôi được may mắn là đồng nghiệp tại nơi Thầy là giám đốc. Thật nhanh, tôi vào làm việc chẳng được bao lâu, chưa tròn năm thì Thầy đã bước vào chặng đường mới: nghỉ hưu sau 03 năm làm việc quá tuổi hưu. Thời sinh viên đại học của tôi là gắn bó với những câu chuyện và tính cách Thầy giảng dạy, hơn nữa, Thầy còn là người Thầy đầu tiên trên giảng đường đại học của tôi! Bất cứ điều gì được gọi là "đầu tiên" luôn mang đến cho tôi một ý nghĩa đặc biệt và may mắn, tôi được có Thầy là người Thầy đầu tiên cho con đường đại học tôi theo đuổi!
YÊU SỬ VIỆT

Những câu chuyện vụn vặt hằng ngày trên giảng đường trong những năm tháng được Thầy dạy dỗ đó, tôi cứ ngỡ chỉ đơn giản là những lời chia sẻ từ chính trải nghiệm của Thầy cho thế hệ tiếp sau, nhưng cho đến một ngày, chúng được viết thành sách! Hầu như bất cứ ai đã bước vào con đường học vấn, ít nhiều đều có suy nghĩ và muốn được viết lại những chặng đường mình đã đi qua - xuất bản thành một quyển sách thì còn gì hơn!? Thầy đã có nhiều sách và "Thư viện ký" là quyển sách tự sự đầu tiên trong "kho sách" đã xuất bản của Thầy! Những câu chuyện ấy với tôi chắc chắn không lạ nhưng đặc biệt hơn, tôi như tìm thấy điều mình muốn thấy trong những câu chuyện ấy!

Tôi không nhớ rõ Thầy có nói gì về quy trình in nội dung sách và xuất bản hay không, nhưng những gì Thầy viết trong sách về chính cuộc đời Thầy có vẽ như chính là thời cuộc Thầy đã sống! Những năm tháng trước và sau ngày Đất nước Thống nhất 30/4/1975 luôn có những lớp sương mờ đặc biệt cho những người trẻ như tôi muốn tìm về và hiểu rõ hơn! Bởi vậy, trong quyển sách về cuộc đời mình, tôi như nhìn thấy những biến chuyển của thời đại cũng đang vây lấy chính cuộc đời Thầy với những sự kiện vượt biên, tem phiếu, cải tạo, bài bản, "lao động là vinh quang"... Những biến chuyển ấy, từ hôm nay nhìn lại, tôi tin rằng chúng đều mang chung hai mặt trái ngược nhau, không có điều gì là chắc chắn đúng hoặc chắn chắn sai!

Thư viện - ngay chính lúc này, tôi nên nói như thế nào để không động đến chính lòng tự ái nghề nghiệp của mình!? May mắn chăng khi ngành thư viện Việt Nam đã trải qua những năm tháng chung số phận với thời đại, nhưng bởi vì... ít có hại, ít được hiểu và ít được chú ý mà thư viện đã sớm thoát ra khỏi ách trì trệ đang đè nặng một thế hệ trong thời đại ấy! Thật nhanh, khi trong những năm tháng sau ngày 30/4/1975 cho đến những năm đầu thập niên 90, Thầy đã cố gắng và giữ lại những giá trị tinh hoa của một nền thư viện học tiên tiến từ thế giới đã áp dụng sâu sắc tại Miền Nam Việt Nam và cố gắng lan tỏa, phát triển hay chính xác là "xây dựng lại" từ đống tro tàn những giá trị cũ mà lại mới trong xã hội mới!

Thật hài và thật buồn cười cho hai từ "số phận"! Thư viện tại Việt Nam hiện tại chỉ là một ngành nhỏ, dường như vô hại và xem ra là "bãi rác nhân sự" cho nhiều trường giáo dục con người ở xứ Việt! Thật nghịch cảnh khi đây lại là sự thật còn kéo dài đến hôm nay và chúng như được nhìn thấy đã diễn ra từ những hơn 40 năm trước khi Đất nước bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội! Nghịch cảnh này cũng có lý do của nó, vì nếu đứng ở một góc nhìn khác, chắc chắn không gì có thể quý hơn Thống nhất - Hòa Bình và Độc lập! Nhưng cũng vẫn một chút ngậm ngùi khi nhìn về những gì đã xảy ra trong những năm tháng xưa đó, giá mà khi ấy mọi chuyện diễn ra theo một hướng khác hơn thì biết đâu hiện tại cũng khác hơn!

Với tôi, quãng lịch sử Dân tộc sau ngày 30/4/1975 vẫn luôn luôn là một màn sương đan xen của bóng tối và bình minh, nước mắt và nụ cười, sum họp và chia ly! Bất cứ một con người nào - ngay cả chính Thầy, đều có lý do để sống và tồn tại trong quãng lịch sử ấy! Đó là một quãng thời gian thật sự sống động theo nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng cũng là quãng thời gian để tôi luyện những con người không-đầu-hàng-số-phận! "Thư viện ký" là quyển sách viết về Thầy tôi - một người Thầy đã không đầu hàng số phận!