Nội dung “Phát triển các dịch vụ trong Không gian học tập chung tại Thư viện Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh”.
Nội dung “Phát triển các dịch vụ trong Không gian học tập chung tại Thư viện Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh”


YEUSUVIET - Learning commons – tạm dịch Không gian học tập chung (KGHTC), thuật ngữ xuất phát từ Hoa Kỳ vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước và nhanh chóng lan tỏa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây được xem là một mô hình mới của hoạt động thư viện đại học. Nhưng sau đó, với những tiện ích và sự sáng tạo, mô hình KGHTC nhanh chóng được ứng dụng vào hệ thống thư viện trường học và công cộng tại Hoa Kỳ.

Lúc đầu, KGHTC được gọi là Information commons – tạm dịch Không gian thông tin chung (KGTTC), với quan điểm “từ thông tin thu nhận được sẽ tạo ra tri thức cho cộng đồng” là mục đích phục vụ của mô hình này. Đến năm 2004, một Hội thảo quốc tế được tổ chức tại trường ĐH Nam California với chủ đề "Information Commons: Learning Space Beyond the Classroom."(Tạm dịch: Information commons: Không gian học tập bên ngoài lớp học.), Donald Beagle – nhà thư viện học đã đặt nền móng cho những định nghĩa đầu tiên về Information commons trước đây, đã trình bày tham luận "From Information Commons to Learning Commons" dựa trên nền tảng tổ hợp những hướng nghiên cứu mới được công bố từ Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (American Council on Education). 

Từ đó thuật ngữ này chính thức được sử dụng và thừa nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Hong Kong, Đài Loan, Anh, Úc, Canada... trong đó có Việt Nam. Có thể nói, đây là mô hình kết hợp giữa: hỗ trợ học tập, nghiên cứu; kích thích sự sáng tạo, tranh luận tập thể và tạo không gian nghỉ ngơi, giải trí với những trang thiết bị và dịch vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ người dùng tin.

Tại Việt Nam, một KGHTC đúng nghĩa trên nền tảng xây dựng hoàn toàn từ nội lực của một thư viện trong nước vẫn chưa được xuất hiện hoàn chỉnh. Mặc dù vào ngày 25/11/2011 ĐH RMIT Việt Nam đã khánh thành “Thư viện Beanland và Learning Commons” với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng đây là từ một trường đại học quốc tế, với vốn đầu tư và đặc thù của một trường đại học mang tầm vóc toàn cầu.

Xuất phát từ những giá trị phục vụ đặc biệt mà mô hình KGHTC mang lại, Thư viện Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH KHTN) – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM)  đã cố gắng đầu tư xây dựng một phòng KGHTC với mục đích mang đến một không gian học tập mà trong đó người dùng tin (NDT) có đủ nguồn tài nguyên, thiết bị và tiện ích có thể đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của mình. 

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất là xây dựng một hệ thống các dịch vụ hỗ trợ việc học tập và nghiên cứu của NDT. KGHTC Thư viện ĐH KHTN hiện chỉ tạm dừng lại ở ý tưởng và manh nha xây dựng theo một mô hình tiêu chuẩn tiên tiến đã có, vấn đề quan trọng nhất là cung cấp các dịch vụ tư vấn hỗ trợ học tập, nghiên cứu vẫn còn thiếu, bỏ ngỏ. Không riêng mô hình KGHTC mà ngay trong chính hệ thống thư viện Việt Nam, do yếu tố phân quyền quản lý giữa các phòng ban trong trường đại học, thư viện không đảm nhận các chức năng đó. Vì vậy, đây cũng là một vấn đề cần giải quyết để xây dựng nên một KGHTC Thư viện ĐH KHTN đúng nghĩa. Tóm lại, ý tưởng đã có nhưng về thực chất hoạt động, KGHTC Thư viện ĐH KHTN vẫn chưa hình thành.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển Trường ĐH KHTN giai đoạn 2011 – 2015, phần “1.2. Các chiến lược về đào tạo đại học và sau đại học”, nhà trường đã khẳng định vai trò của Thư viện trong việc đổi mới phương pháp đào tạo tại mục “Chiến lược 1.3. Cải tiến  phương pháp đào tạo đại học và tăng cường tài nguyên học tập” như sau:

“Bổ sung, tăng cường tài nguyên học tập: sách, tài  liệu  điện  tử  cho  thư  viện, đồng thời khuyến khích sử dụng các giáo trình có uy tín của thế giới.”

Đồng thời, trong Báo cáo tự đánh giá năm 2014, Trường ĐH KHTN cũng định hướng một vị trí đặc biệt của KGHTC là: “đẩy mạnh hoạt động và các dịch vụ tại phòng Không gian học tập chung (Learning commons) tạo những tiện ích thiết thực cho bạn đọc khi sử dụng thư viện”.

Như vậy, với Chiến lược trong giai đoạn 2011 – 2015 và Báo cáo tự đánh giá năm 2014  Thư viện và đặc biệt phòng KGHTC đã được khẳng định vai trò cũng như mục tiêu phát triển trong tương lai, đó là hướng đến việc xây dựng “các dịch vụ” thiết thực dành cho bạn đọc sử dụng thư viện.

Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển của Trường và để nâng cao hiệu quả hoạt động của Không gian học tập chung, tác giả luận văn chọn vấn đề “Phát triển các dịch vụ trong Không gian học tập chung tại Thư viện Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.