Trái bóng nhựa hai lớp bay đến chân thằng Linh từ đường chuyền như đặt của Thanh “lũi”, lắc hông nhẹ nhưng thật nhanh, thằng Linh đã mang theo trái bóng vượt qua hai đứa hậu vệ đứng trước mặt mình. Và giờ đây trước khung thành hai mét mốt rộng thênh thang là Thức cận với cặp kính dày cộm trên mặt. Sẽ thật bi kịch nếu một trong những siêu sao bóng đá của Xóm Nhàn không thể ghi bàn vào lưới của một trong những thủ môn có cặp kính cận dày nhất thế giới. Nhưng đúng vào lúc giây phút vinh quang đang chuẩn bị kéo tới, một giọng nói quen thuộc vang lên:
- Tụi bay làm cái gì đó, dẹp liền cho tao!
Đó là tiếng nói của ông Hai công viên – người bảo vệ phụ trách giữ gìn an ninh của Công viên Cây Mai, và đồng thời cũng là hung thần thường xuyên kết thúc bất ngờ các trận đấu siêu kinh điển trong Xóm Nhàn. Tiếng la hét của ông Hai chưa kịp đi hết công viên thì cả bọn đã nháo nhào chạy, kể cả siêu tiền đạo Linh đang đứng trước giây phút lịch sử ghi bàn thứ 7 trên tổng số tám trận đấu chiều nay.
Tin tài trợ>>> Tháp Chiên Đàn, Quảng Nam - Dấu tích vương triều cổ xưa, tồn tại và diệt vong.
>>> Làng xã Việt - Nơi bảo vệ dân tộc Việt trước đồng hóa và ngoại xâm.
Thật ra, việc cao chạy xa bay khỏi
sân tập thể dục của công viên và khỏi máy ra-đa dò tìm từ đôi mắt hình viên đạn
của ông Hai cũng đơn giản thôi, chỉ cần vắt chân lên cổ mà chạy, cái chân cà thọt
của ông Hai không tài nào chạy kịp bọn chúng. Nhưng đau thương ở chỗ là những
buổi chiều nắng đẹp, hiền hòa hiếm hoi để thi tài bóng đá như thế này lại nhanh
chóng kết thúc trong sự tiếc nuối của hàng triệu khán giả vô hình đang xem trực
tiếp. Tí đô – đứa to con nhất, già nhất trong đám bất ngờ lên tiếng sau khi cả
bọn đã yên ổn núp trong nhà nghỉ mát giữa công viên:
- Linh, mày chuẩn bị chạy tiếp kìa!
- Sao chạy? – Linh hỏi ngay.
Cùng với câu hỏi lại xác định sự kiện
gì sẽ xảy ra, thằng Linh cũng nhướng cổ ra khỏi đám để nhìn ra xung quanh. Thật
may mắn cho nó khi chỉ với cái nhìn đầu tiên nó đã kịp nhận ra người cha yêu
thương và đáng kính của nó.
- Thằng Linh, mày lại trốn đi chơi
tiếp nữa phải không? Về đây liền cho tao.
Cùng câu nói chất chứa tình yêu
thương đó, ông Lân không quên chĩa thẳng cây chổi lông gà về phía thằng Linh
đang ngồi giữa đám loi nhoi. Bọn loi nhoi vừa thở phào nhẹ nhõm khỏi cuộc truy
đuổi của ông Hai công viên chỉ vừa kịp nghe tiếng “Thấy cha” từ giọng thằng
Linh là đã thấy nó vọt như tên bắn ra khỏi chỗ cả đám ngồi. Cái thằng, quả thật
là tốc độ của nó chẳng thua kém bất kỳ siêu sao bóng đá nào trên thế giới nói
chung và Việt Nam nói riêng. Nó cứ hay tặc lưỡi là nếu sinh ở Brazil thì giở
này chí ít nó cũng cỡ Ronaldo chứ không ít. Vì Ronaldo từng chạy trên sân cỏ
kinh hồn đến nỗi người ta phải gọi ông ấy là “người ngoài hành tinh” mà. Nhưng thằng
Linh không giống Ronaldo, cũng chẳng phải người ngoài hành tinh gì cả, nó là thằng
nhóc 15 tuổi, con ông ba Lân và ngay lúc này đang vận dụng hết tốc độ bình sinh
để chạy khỏi cái chổi lông gà của ba nó.
- Tại sao mày cứ trốn nhà đi chơi
hoài vậy hả? Mày đi như vậy lỡ có chuyện gì thì sao? Hả?
Song song với câu nói cảm thán đó là
những đòn roi ông ba Lân vụt vào chân thằng Linh. Mẹ thằng Linh – bà Tuyết, đứng
kế bên chỉ biết chau mày mà nhìn nó nhảy như gà bị đuổi trong vườn trước những
đòn roi của ông chồng mình, chỉ khác gà còn chạy được còn thằng Linh chỉ có nhảy
tại chỗ. Đây chẳng biết là lần thứ bao nhiêu thằng Linh bị bắt về khi đi đá bóng
và trăm lần như một, ba nó luôn dành sẵn chổi lông gà cho nó. Cái thằng, ngoài
tài năng bóng đá ra thì có lẽ nó cũng như bao đứa trẻ khác khi có khả năng chịu
được vô hạn những đòn roi từ cha mẹ hay người chăm lo cho chúng. Nó cứ nhảy cẫng
lên sau những đòn roi nửa trúng nử không và luôn mồm la hét:
- Ba tha cho con, ba tha cho con, lần
sau con không dám nữa, không dám nữa đâu ba.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, đừng
bao giờ tin hai điều: một là phụ nữ nói rằng họ sẽ không bao giờ mua sắm nữa và
hai là mấy đứa con nít nói “lần sau con không dám nữa” mỗi khi bị người lớn
trách mắng. Trẻ con mà, ở cái tuổi hiếu động và nhất là con trai nữa, sao chịu
ngồi yên một chỗ mà nhìn chúng bạn bè vui chơi, cười đùa. Thằng Linh nó cũng vậy
thôi, nó cũng như bao đứa trẻ khác cần được vui chơi, đùa giỡn với bạn bè cùng
trang lứa. Nhưng ngặt nỗi, nhà nó đông anh em quá, sáu đứa con trai và một đứa
con gái, vậy chi là bảy miệng ăn. Cộng với ba mẹ nó và bà ngoại nữa thì tròn ra
một chục miệng ăn đang trông chờ vào đồng lương công chức của ông ba Lân. Nên
chả trách sao ba mẹ thằng Linh phải chăm chút, lo lắng cho con cái như vậy, đến
nỗi không cho phép chúng rời xa khỏi vòng tay yêu thương, chăm sóc của mình…
Những câu chuyện liên quan giữa trái
bóng và đòn roi của Linh cứ thế theo nó lớn lên, cho đến khi nó đỗ vào trường
phổ thông hạng nhất nhì của Tỉnh. Cùng với hai người anh trai và cô chị gái, nó
tiếp tục là niềm tự hào của ông ba Lân với bà con trong Xóm Nhàn. Đỗ trường phổ
thông rồi, nó vẫn hay trốn đi đá bóng với tụi bạn trong xóm, ông ba khó khăn của
nó lúc đầu cũng vẫn… khó khăn, nhưng lâu dần có lẽ ông hiểu chuyện gì đang diễn
ra từng ngày và chiếc chổi lông gà ông hay dùng để dạy con mình cũng sắp đến
lúc phải cất đi…
Hết năm lớp 10, thằng Linh mang bằng
khen tiên tiến về khoe với ba mẹ nó. Bà Tuyết và bà ngoại nó trầm trồ khen ngợi,
bảo sẽ thưởng xứng đáng cho công sức nó học hành bấy lâu nay để đạt được thành
quả này. Nó cũng tự hào lắm, vì dù sao cũng được lên bục nhận thưởng và mang về
vinh quang cho gia đình. Ông ba Lân chỉ im lặng ngồi giở từng trang báo cũ, mắt
chăm chú chạy theo từng con chữ và như thể cái bằng khen tiến tiến của thằng
Linh – và cả thằng Linh nữa, đều vô hình trước mắt ông.
- Ba, ba! Con được bằng khen tiên tiến
nè ba! Con cố gắng lắm, bỏ hết mấy trận banh để cố gắng học đó ba!
- Có bằng thì nhiều đứa cũng có, cần
cố gắng hơn nữa, người ta còn được xuất sắc nữa. Má nó coi chuẩn bị cơm trưa để
tụi nhỏ ăn rồi còn ngủ nghỉ nữa.
Chắc chắn rồi, cảm xúc thằng Linh tụt
xuống cái bụp với câu nói chẳng liên quan chút nào đến hy vọng của nó. Chẳng có
món quà nào từ ba nó và cũng chẳng có lời khen lấy khen để nào từ ba nó như mẹ
và ngoại nó đã khen. Trong góc nhà, con lu mi-nhon đang nằm cụp đuôi vào sát
người, đôi mắt bâng quơ nhìn gia đình nó đang giao tiếp với nhau, trông nó phát
chán so với những lúc lăng xăng chạy khắp nhà. Thật ra thì nó với thằng Linh
lúc này chẳng khác gì nhau!
Hết năm 12! Thằng Linh được loại giỏi,
nó cũng về nhưng về nhà vào lúc giờ ăn trưa đã xong sau khi dự buổi liên hoan
cuối khóa với đám bạn trong lớp. Mọi người trong nhà hầu như đang nghỉ trưa.
Anh cả và anh hai nó hôm nay từ Sài Gòn về nhà để ôn tập chuẩn bị kỳ thi học kỳ
sắp tới ở trường đại học. Chị ba nó thì đang nhẹ nhàng gọt từng trái mận ra sắp
lên đĩa ở phía góc vườn, chiều nay chị ba đi Sài Gòn, chuẩn bị cho buổi thực
hành đồ án nhóm vào sáng mai. Khung cảnh đó đơn giản, nó chỉ cần quét nhẹ đôi mắt
nhìn hết một lượt và dừng lại nơi đi văng có ông ba Lân đang ngồi.
- Thưa ba con mới về! Má với bà nghỉ
trưa rồi sao ba không nghỉ!?
Ông ba ngước mắt lên nhìn, tay vẫn cầm
tờ báo, hỏi lại nó:
- Con mới về à, sao hôm nay về trễ vậy!?
Vô cơm nước rồi nghỉ trưa đi, chiều đi lễ nhà thờ!
Nó dạ một tiếng rồi đi thẳng ra sau
nhà. Chiều nay, đám bạn nó vừa gặp lúc nãy sẽ có vài đứa lên Sài Gòn. Nghe đâu
gia đình tụi nó đã chuẩn bị sẵn các lớp ôn luyện đại học cho kỳ thi đại học sắp
tới. Còn vài đứa khác thì quyết định tự ôn luyện, chờ đến cuối tháng 6 thì xuống
Sài Gòn chuẩn bị rồi vào trường thi luôn. Dân Tỉnh thì luôn thế, luôn xuống Sài
Gòn để thi đại học, tìm hướng đi riêng cho mình khi những chùm phượng đỏ của lớp
12 cuối cấp đã nở rộ hết sức mình. Đám bạn thân thương ngày nào luôn gặp nhau
trong cửa lớp phổ thông, nay đã đến lúc chia tay và có muốn tìm hoài đi chăng nữa,
cũng không bao giờ còn gặp lại những giây phút đó…
Buổi chiều, sau khi đi nhà thờ về, cả
nhà ông ba Lân ngồi vào mâm cơm, chuyện trò rôm rả. Nhà đông người nên nếu ai
không biết thì khi nhìn vào cứ tưởng nhà này đang mở tiệc mừng sự kiện gì đó.
Những câu chuyện xoay quanh món cá kho tiêu bà Tuyết làm nhưng lỡ cháy đen một
chút vì mãi lo xếp đồ cho chị ba kịp chuyến xe xuống Sài Gòn và món canh bí đỏ
hôm nay anh hai tự làm khiến cả nhà thấy khác lạ sao ngon hơn thường lệ!?
- Xuống dưới anh hai nấu ăn cho nhỏ ở
trọ lầu trên nên riết nấu ăn ngon ghê. – Tiếng của anh hai thằng Linh pha trò,
làm mẹ nó liền hỏi ngay:
- Nhỏ nào vậy con, nhà nó ở đâu? Mà
sao con nấu ăn cho nó, nó không nấu cho con ăn à? Mình sắp có dâu rồi ba nó
ơi!!!
Anh cả thằng Linh đỏ mặt, chỉ cười
trừ rồi sột soạt ăn tiếp chén cơm. Ông ba Lân ít nói, chỉ nhìn, nghe rồi cười mỉm
trên khuôn mặt đang mỗi ngày đầy những nét hoa râm của thời gian. Bọn trẻ con
nhà ông giờ đã lớn quá, cả thằng Linh cũng vậy, cũng sắp đi theo anh chị nó mà
xuống Sài Gòn tìm cho mình một con đường mới… Ông gắp miếng cá kho tiêu, có vị
đắng trong miệng chạy dài theo cổ họng xuống lòng ông. Bà Tuyết thật kỳ, lo cho
con làm chi mà đến nỗi nồi cá kho của nhà bị khét, làm lòng ông đắng cái đắng của
có kho cháy khét…
Chiều nay hai giờ, thằng Linh và thằng
Vĩnh sẽ cùng nhau bắt xe xuống Sài Gòn. Kỳ thi đại học vừa rồi nó đậu một trường
có tiếng ở Quận 12. Điểm cũng cao so với điểm sàn chung của cả nước, như vậy là
đủ cho nó đỗ đại học như các anh chị nó đã làm. Má nó muốn đi theo nó xuống dưới
để còn lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho nó đàng hoàng. Ông ba chỉ hỏi nó thấy sao, nó bảo
nó và Vĩnh có chỗ trọ rồi, ở gần trường và là nhà người quen của ba thằng Vĩnh,
nên ba má cứ yên tâm cho nó. Ông ba Lân gật đầu, hối thúc má nó sắp xếp đồ cho
cẩn thận, đừng để thiếu thốn thứ gì, cứ dặn đi dặn lại ba bốn lần rằng:
- Xuống dưới không có mình, thiếu thốn
cái gì là nó phải tự đi mua rồi, tự lo còn làm phiền anh chị bên kia nữa. Má nó
chuẩn bị cho cẩn thận vô!
Rồi chiều lúc một rưỡi, ông Lân đưa
nó ra bến xe. Đến nơi thì xe cũng đang chờ khách và thằng Vĩnh cũng đứng đó đang
đợi. Nó xuống xe, gỡ nón bảo hiểm rồi chầm chậm đưa lại cho ông Hầu. Phía trước,
từng người khách đang lên xe, hình như cũng có những người đang tiễn con đi Sài
Gòn nhập học như nhà ông Lân. Thằng Linh chào ông rồi quay về hướng xe. Bỗng,
ông Lân gọi giật thằng Linh lại như từ đâu đó trong trí nhớ có gì đó mà giờ mới
vừa kịp chạy đến môi ông.
- Con cầm theo năm trăm này xuống dưới,
nãy má cho rồi giờ ba cho thêm. Xuống dưới cố gắng học hành, khi nào được thì về
thăm ba má nhen con!
Thằng Linh dạ, cầm lấy tờ năm trăm một
cách chậm chạp mà giá như nó có thể cầm chậm hơn nữa. Nó nói “cảm ơn ba”, rồi
quay gót đi về phía xe cho kịp tiếng thằng Vĩnh thúc giục. Nó lên xe rồi, ngồi
gần cửa sổ. Khi xe chạy ra khỏi bến, nó ngoái nhìn về phía cổng, vẫn còn thấy bóng
dáng ông ba Lân trên tay không còn chiếc chổi lông gà đang đứng cạnh chiếc xe
cúp 50 cà tàng và dõi theo từng vòng bánh xe đưa đứa con thứ tư của ông lên Sài
Gòn, bắt đầu viết tiếp những câu chuyện của cuộc đời tương lai nó... Dường như,
vị khét nghẹt của miếng cá kho tiêu lúc trưa vẫn còn chưa tan hết, ông ba Lân
thấy trong lòng mình mặn đắn…
Thằng Linh cũng vậy, nó thì thầm… Ba
ơi!
0 Comments