Chương trình giáo dục phổ thông mới
gồm 20 môn học, tất cả có sự đổi mới về mặt nội dung, cấu trúc… so với bản hiện
hành.
Chiều 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo
tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục
trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết
cho biết, so với hiện hành chương trình các môn học có nhiều điểm mới, chú trọng
việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng
kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Từ các năng
lực đó, mỗi môn xác định nội dung và yêu cầu cần đạt riêng.
Tin tài trợ
Chương trình các môn về cơ bản đã
giảm tải so với hiện hành. Kiến thức hàn lâm, lắt léo, chỉ phục vụ việc thi cử
được giảm bớt. Ví dụ ở chương trình môn Toán mới, nội dung về Số phức, Đa thức…
chưa có nhiều giá trị thiết thực với cuộc sống sẽ không còn. Việc tổ chức lại nội
dung các môn theo cấu trúc đồng tâm (các lớp/cấp học trên sẽ học lại và nâng
cao kiến thức lớp dưới); tích hợp một số môn thành một môn học; thay đổi phương
pháp giảng dạy để học sinh được hoạt động nhiều hơn… cũng là cách giảm tải cho
chương trình.
Khẳng định đội ngũ giáo viên là một
trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình mới,
GS Thuyết cho biết, Bộ đã có sự chuẩn bị chu đáo. “Chúng tôi đã kiểm tra, đánh
giá đội ngũ hiện nay xem có đáp ứng được chương trình mới, cần thêm những gì để
dạy tốt chương trình này… Bộ từ đó đã có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo để đào tạo
mới nguồn nhân lực và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện nay. Thời gian 3-4 năm
để chính thức triển khai chương trình đủ cho chúng ta tạo được ra đội ngũ người
thầy dạy cho những môn học tích hợp mới”, ông Thuyết nói.
Nhiều chủ biên các môn học cũng
thể hiện sự tin tưởng đội ngũ giáo viên hiện nay sau khi tham gia lớp tập huấn
có thể đáp ứng tốt chương trình mới. Nhiều năm qua, các thầy cô cũng quen với
những phương pháp giảng dạy mới, dạy học tích cực, qua mô hình dạy học VNEN,
STEM…
Về cơ sở vật chất, theo GS Thuyết,
chương trình mới được xây dựng trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa
phương, không có đòi hỏi gì quá đặc biệt. Chương trình hoàn toàn có thể thực hiện
được khi các trường tiểu học đảm bảo được việc học 2 buổi/ngày; tối đa 35 học
sinh/lớp với tiểu học và 45 học sinh/lớp với cấp THCS, THPT. Nội dung về thiết
bị dạy học chỉ là định hướng cho các trường thực hiện tốt hơn chương trình môn.
Nhiều phóng viên báo chí và chính
các chủ biên chương trình môn học đều cho rằng, chương trình mới chỉ có thể
thành công khi đổi mới việc kiểm tra, đánh giá, thi, tuyển sinh đại học. Việc học
ứng thí, đề thi hiện mới mới chú trọng kiểm tra kiến thức lý thuyết mà chưa
đánh giá được kỹ năng thực hành, năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn…
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết
cho biết, không có sự thay đổi nào về phương thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh
đại học cho đến năm 2020. “Từ năm 2020 khi bắt đầu chương trình mới, có thể
thay đổi việc thi cử. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, cần sự đo lường,
đánh giá cẩn trọng. Một trung tâm đang thực hiện công tác này để sớm báo cáo Bộ
Giáo dục”, GS Thuyết nói.
Trong buổi họp báo, một số chủ
biên chương trình môn học đã chia sẻ những điểm mới của môn. Theo đó, Ngữ văn sẽ
được thiết kế theo hướng mở để giáo viên có thể lựa chọn tác phẩm giảng dạy cho
học sinh. Đề kiểm tra phải đưa văn bản ngoài sách giáo khoa để đánh giá được sự
hiểu và vận dụng kiến thức của người học.
Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm
sáng tạo khẳng định các buổi định hướng nghề nghiệp trong môn này sẽ không còn
hình thức nữa. Chương trình sẽ giới thiệu nghề nghiệp tương lai, những yêu cầu
nghề đặt ra, giúp học sinh khám phá năng lực của bản thân phù hợp với ngành nghề
nào và cần bổ sung kiến thức, kỹ năng nào để đáp ứng được nghề đó…
Dự thảo chương trình các môn học
được Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng công khai để lấy ý kiến rộng rãi dư luận khoảng
2 tháng. Dự kiến tháng 4/2018, Bộ sẽ công bố chương trình chính thức.
Xem chi tiết ở bảng dưới đây:
Nguồn: VnExpress
0 Comments